Đêm 30 Tết cảnh báo "bà hỏa" viếng thăm gia đình

ANTD.VN Tại sao “bà hỏa” lại thường rình rập vào thời điểm đêm 30 Tết hơn ngày thường. Câu trả lời đơn giản, việc thắp hương, đốt nến, vàng mã đang để gần nhau, chỉ cần sơ ý tàn hương rơi phải là căn phòng bốc cháy. Hơn nữa, sau khi hương đang nghi ngút đã khóa cửa đi ra đường đón xuân, hái lộc, đèn điện nhấp nháy quá lâu đã nung nóng các bóng hoặc dây kém gây chập cháy, đó là cơ hội của “bà hỏa” bùng lên. -

Những vụ cháy nhà đêm 30 Tết

Theo thống kê từ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại các phòng chữa cháy khu vực thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, năm nào vào dịp đêm 30 Tết cũng xảy ra hỏa hoạn. Vụ cháy nhỏ thì thiệt hại tài sản trong gia đình, vụ cháy lớn thiệt hại tài sản lớn thậm chí thiệt hại cả về người.

Điển hình vụ cháy xảy ra khoảng 22h30 đêm 30 Tết Ất Mùi 2014, “bà hỏa” đã ghé thăm kho chứa nhiều tấm balet bằng nhựa trên QL1 đoạn gần cầu vượt Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM.  Đám cháy bốc cao tạo thành một cột khói đen phủ kín một khu vực rộng lớn.

Dù tất bật chuẩn bị cho lễ cúng Giao thừa nhưng người dân vẫn hô hào nhau dùng các dụng cụ sẵn có dập lửa. Tuy nhiên đám cháy quá lớn và lan rộng nên người dân không thể tiếp cận. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận 9 đã điều động 10 xe chữa cháy chuyên dụng và gần 100 CBCS đến hiện trường triển khai chữa lửa. Một số đoạn quốc lộ 1, quốc lộ 13 được phong tỏa phục vụ công tác chữa cháy.

Đốt vàng mã, xếp vàng mã nhiều trên ban thờ là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy 

Các chiến sĩ dùng vòi rồng khoanh vùng không cho lửa cháy lan rộng và đến gần giao thừa đám cháy mới được khống chế. Tiếp đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại một gia đình tại huyện Thường Tín, Hà Nội sau khi thắp hương cứng giao thừa xong khóa cửa nhà đi hái lộc, đang trên đường vui xuân thì có tin nhà cháy. Trớ trêu thay khi quay về cũng không thể đi được do đường đông người nên di chuyển chậm, khi về đến nhà ngọn lửa cháy lớn. Rất may lực lượng Cảnh sát PCCC Thường Tín nhận được tin báo đã khẩn trương triển khai dập lửa chống cháy lan khi gia chủ có mặt tại nhà. Hậu quả cháy toàn bộ tầng 5 cùng nhiều tài sản trong căn nhà.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 quận Ba Đình, Đống Đa, thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân xảy cháy nhưng chủ yếu do người dân chủ quan. Thứ nhất, vào ngày Tết bàn thờ được bày nhiều đồ thắp hương, vàng mã, nến, đèn điện... Nhiều gia đình ban thờ chật hẹp nhưng vẫn bày biện nhiều quá tải, khi ra khỏi nhà đóng kín của phòng lại do đề phòng trộm cắp đột nhập. Khi hơi nóng quẩn trong phòng không có lối thoát, vàng mã, đồ đạc dễ cháy trong phòng bị tàn hương rơi phải là có thể gây cháy ngay.

Hỏa họa viếng thăm một gia đình tại Hà Tĩnh vào sáng 23 Tết ông Công, ông Táo do thắp hương trên phòng thờ không chú ý

Đêm giao thừa kiểm tra nơi thờ tự cẩn thận

Theo thống kê từ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, vào dịp Tết đặc biệt đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết hàng năm đã xảy ra hàng chục vụ hỏa hoạn thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Điển hình vụ cháy xưởng gỗ sáng mồng 1 Tết năm 2013, tại Thạch Thất, Hà Nội đã thiêu rụi nhà xưởng và hàng trăm khối gỗ quý. Nguyên nhân do chủ nhà thắp hương sáng mồng 1 Tết để “lấy may” và sau đó để nguyên hương và nến đang cháy khóa cửa đi ra khỏi nhà.

Khi phát hiện ngọn lửa đã bùng phát lớn. Đề phòng hỏa hoạn xảy ra tại gia đình vào dịp Tết, việc thắp hương cúng lễ theo phong tục truyền thống là cần thiết, song giản tiện mức tối đa, hạn chế xếp nhiều vàng mã, đồ dễ cháy gần bát hương, bóng đèn điện, nến và đặc biệt khi thắp hương phải đợi cho hương cháy hết mới rời khỏi nhà hoặc đóng cửa phòng thờ.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, ngoài nguyên nhân cháy do hương, nến vàng mã còn có nguyên nhân từ điện. Nhiều gia đình bật đèn điện tại ban thờ kéo dài thời gian, bóng hoặc dây dẫn kém dẫn đến chập cháy. Do đó, để hạn chế tối đa xảy cháy và thiệt hại do cháy gây ra, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức, kiểm tra các thiết bị liên quan đến điện trong già đình để kịp thời thay thế, khắc phục.

Một gia đình tại TP Thanh Hóa bị cháy do thắp hương sáng mồng 1 Tết Bính Thân 2016 

Theo kinh nghiệm điều tra các vụ cháy xảy ra tại các gia đình vào thời điểm Tết, Thượng tá Vũ Sỹ Hòa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết: “Nhiều gia đình duy tâm dùng đèn dầu thắp sáng ban thờ nhưng lại không chú ý tắt sau khi thắp hương làm lễ xong. Chỉ cần chuột chay qua va phải làm đổ dầu ra mặt bàn, lửa bùng cháy bén sẽ dẫn đến cháy lớn. Thậm chí có nhiều trường hợp thắp hương xong để bật lửa gas ngay gần đó, tàn hương rơi vào làm nóng gây cháy nổ ngay lập tức. Đây là một trong những câu trả lời cho nhiều người hỏi tại sao mặt ban thờ làm bằng gỗ lim, gỗ gụ vẫn cháy được dễ dàng.

Để tránh xảy cháy, bà con cẩn trọng trong việc sử dụng lửa trần như đèn dầu, nến. Để các chất dễ cháy cách xa lửa trần, bật lửa gas để ở nơi cách biệt các đồ vật khác. Và không nên cắm đèn điện thắp sáng, đèn nhấp nháy trong thời gian dài. Điều mấu chốt ra khỏi nhà phải kiểm tra kỹ lưỡng trước khi khóa cửa”.