Đề xuất xử lý hình sự hành vi trục lợi bảo hiểm

ANTĐ - Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, thực tiễn xử lý vi phạm cũng như kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề xuất hình sự hóa hành vi trục lợi bảo hiểm.
Đề xuất xử lý hình sự hành vi trục lợi bảo hiểm ảnh 1

Nếu quy định tại dự thảo được thông qua, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng vào cuộc điều tra các vụ trục lợi bảo hiểm

Gần 110 tỷ đồng bị trục lợi mỗi năm

Đánh giá về tình trạng trục lợi bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hiện số vụ trục lợi bảo hiểm phát hiện ngày càng nhiều, gia tăng qua các năm. Hành vi trục lợi xảy ra ở hầu hết các loại hình nghiệp vụ bảo hiểm và đang làm mất dần niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm, ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Doãn Thanh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng chỉ ra rằng, hành vi trục lợi bảo hiểm không rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sửa chữa xe... Có thể nói, đây là loại vi phạm diễn ra phổ biến, nghiêm trọng nhất, gây hậu quả nặng nề cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Thống kê sơ bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, trong giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể đến số hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả nên vẫn thực hiện chi trả bảo hiểm.

Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền hầu như chưa xử phạt được các trường hợp liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Nguyên nhân là do chưa có quy định riêng về xử lý hình sự đối với hành vi này. Các cơ quan chức năng đang phải vận dụng các quy định về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức… tại Bộ luật Hình sự để xử lý. Tuy nhiên, các tội danh này chưa phản ánh đúng bản chất và đặc trưng của hành vi trục lợi, do đó rất khó áp dụng trong thực tế. 

Phạt tù 5-10 năm 

Tiếp thu những đề xuất cấp thiết từ Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng cộng đồng doanh nghiệp bảo hiểm, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội và gửi lấy ý kiến toàn dân. Trong đó bổ sung hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm như một tội danh có thể phạt tiền, thậm chí phạt tù.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định cụ thể về tội trục lợi bảo hiểm, theo đó đã xác định trục lợi bảo hiểm là một tội danh hình sự. Ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, thực tiễn xử lý vi phạm cũng như kinh nghiệm của một số nước về vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề xuất xử lý hình sự hành vi trục lợi bảo hiểm. 

Điều 217 dự thảo Luật quy định, người thực hiện hành vi làm sai lệch thông tin khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra, lập hồ sơ giả, hiện trường giả… nhằm chiếm đoạt số tiền từ 20 - 100 triệu đồng thì bị phạt tiền gấp từ 2 đến 3 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạt tù từ 5 đến 10 năm nếu trục lợi số tiền có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm...

Góp ý thêm cho dự thảo, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, cần quy định rõ thời điểm để xác định tội danh, có thể tính từ thời điểm khách hàng hoàn thành hồ sơ yêu cầu bồi thường với ý định trục lợi, như vậy mới có thể xử lý dứt điểm hành vi này. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm liên đới của doanh nghiệp bảo hiểm khi nhân viên của doanh nghiệp cấu kết với khách hàng thực hiện hành vi trục lợi.

Theo ông Phùng Đắc Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nếu quy định được thông qua, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng vào cuộc điều tra các vụ trục lợi bảo hiểm. “Quy định này cũng mang tính răn đe người có ý định trục lợi bảo hiểm giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh”, ông Lộc đánh giá.