Đề xuất xóa bỏ "trần" làm thêm giờ trong tháng

ANTD.VN - Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn tiến hành trên 3.000 lao động tại khắp các tỉnh thành trên cả nước cho thấy,  có tới hơn 50% người lao động phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống.

Xóa bỏ trần làm thêm trong tháng giải quyết khó khăn của doanh nghiệp sản xuất theo tiến chu kì

Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động sắp được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp và người lao động. Nới lỏng quy định về thời giờ làm thêm là một trong những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo tổng kết đánh giá thi hành Bộ luật Lao động 2012, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định diễn ra phổ biến trong các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, gia công hàng xuất khẩu.

Đa số các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đều có kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội về dỡ bở khung trần giờ làm thêm và tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm.

Bàn về vấn đề này, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, trên thế giới khoảng 30 nước có giới hạn làm thêm giờ. Mặc dù quy định trần giờ làm thêm ở Việt Nam còn thấp hơn nhưng thực tế quỹ thời gian làm việc tối đa của người lao động lại cao hơn một số nước trong khu vực. Hiện, người lao động đang làm việc 48 giờ/tuần và giờ chính thức làm việc trong năm là 2.320 giờ trong khi Hàn Quốc số giờ làm việc này chỉ là 1.880 giờ. 

Mới đây, kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn tiến hành trên 3.000 lao động làm việc trong 150 doanh nghiệp tại 25 tỉnh, thành phố chỉ ra rằng có tới hơn 50% người lao động phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống.

Theo ông Lê Đình Quảng, để giải quyết khó khăn thực tế của doanh nghiệp trong có chu kỳ sản xuất đột xuất, có tính mùa vụ như dệt may, thủy sản... quy định về thời giờ làm thêm có thể sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định bãi bỏ giới hạn làm thêm trong tháng.

Tuy nhiên, cùng với việc bãi bỏ quy định này cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. Chẳng hạn khi người lao động làm thêm giờ vào ngày thường và đến 30 giờ trong tháng được trả ít nhất 150%; từ trên 30 giờ trong tháng trở lên được trả ít nhất 200%. Giải pháp trên ngăn chặn việc doanh nghiệp lạm dụng sức lao động,  buộc doanh nghiệp phải tính toán trước khi huy động lao động làm thêm giờ.