Đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ chủ quyền quốc gia

ANTĐ - Ngày 15-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và khóa XIII của Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, năm 2013 là năm tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Trong đó, sẽ có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến bộ máy Nhà nước, quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thể chế kinh tế...  Do đó, Chính phủ cho rằng, việc xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần ưu tiên trước mắt vào các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy Nhà nước và các dự án cần xây dựng, sửa đổi ngay sau khi có Hiến pháp sửa đổi như Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân... Tiếp đó là các dự án luật phục vụ cho tái cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, chắc chắn sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, sẽ có nhiều vấn đề cần phải sửa. Vì thế, Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi nhiều dự án luật. Nếu không có đủ thời gian, Quốc hội có thể tổ chức một kỳ họp bất thường, có thể vào năm 2014 để xem xét thông qua các luật. 

Xung quanh đề xuất của ĐBQH về xây dựng Dự án Luật Bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng. Những năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật để điều chỉnh như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc phòng, Luật Biển Việt Nam. Để xác định sự cần thiết, mục đích ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật mà ĐBQH đề nghị, Chính phủ cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến an ninh lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và xác định rõ mối quan hệ giữa phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia mà ĐBQH đề xuất với các luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc phòng, Luật Biển Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tổng kết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải lùi lại để chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm trình để xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5. Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, nếu chuẩn bị tốt thì vẫn có thể thông qua tại kỳ họp thứ 5.