Đề xuất vay vốn sửa chữa triệt để cầu Thăng Long: Đổ tiền có vá liền mặt?

ANTĐ - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có công văn gửi Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương sử dụng vốn vay JICA để nghiên cứu, thực hiện sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.

Phải mất hơn 4 năm nữa mới sửa chữa triệt để được mặt cầu Thăng Long?

Chỉ “hết bệnh” khi thông tuyến Nhật Tân

Tổng cục ĐBVN cho biết, cuối năm 2009, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước cấp, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN sửa chữa toàn bộ mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào khai thác, mặt cầu đã xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng cục bộ gây mất an toàn giao thông. Bộ GTVT đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước (có sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản) tiến hành nghiên cứu, khắc phục nhưng chưa có giải pháp công nghệ cũng như nguồn vốn để giải quyết triệt để, đảm bảo an toàn và tuổi thọ công trình. 

Trong đợt làm việc từ ngày 14 đến ngày 24-8 vừa qua với Tổng cục ĐBVN, hai bên thống nhất giải pháp sửa chữa triệt để chỉ có thể tiến hành sau khi tuyến Nhật Tân-Nội Bài đã đưa vào khai thác (cuối 2014), cầu Thăng Long được tạm thời không sử dụng trong thời gian sửa chữa kéo dài đến năm 2016. Trước mắt, sẽ sử dụng vốn của Hiệp định vay lần 2 của Dự án để giao tư vấn Katahira & Engineers International (KEI) tiến hành nghiên cứu xác định nguyên nhân hư hỏng, sơ bộ đề xuất giải pháp công nghệ khắc phục và ước tính chi phí sửa chữa trong tháng 10-2012. Dự kiến nguồn vốn sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ được lựa chọn 1 trong 2 phương án.

Theo đó, nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long không quá phức tạp, có thể sửa chữa trong thời gian ngắn, hoàn thành được trước tháng 6-2016 thì JICA sẽ xem xét báo cáo Chính phủ Nhật Bản cho sử dụng vốn dư Dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2. Còn, nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long phức tạp, JICA sẽ xem xét sử dụng vốn Hiệp định thứ 3 Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia như một hạng mục mới của Dự án  tín dụng ngành GTVT cải tạo mạng lưới đường quốc gia.

Tổng cục ĐBVN đề xuất Bộ GTVT xem xét và cho phép nghiên cứu sơ bộ sửa chữa mặt cầu Thăng Long và giao cho Tư vấn KEI thực hiện trong tháng 9 đến tháng 10-2012. Kinh phí cho việc nghiên cứu sửa chữa ước tính 12,05 tỷ đồng.  Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư của Hiệp định thứ 3 Dự án tín dụng ngành GTVT để thực hiện việc nghiên cứu phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long; giao Tư vấn KEI là Tư vấn đang thực hiện hợp đồng dịch vụ kỹ thuật cho dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia (giai đoạn I) lập báo cáo nghiên cứu phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Còn mấy ai tin tưởng?

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được khởi động và hoàn tất cách đây 2 năm, với số tiền gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng không lâu, mặt cầu biến dạng, nứt nghiêm trọng, xuất hiện những vũng, ổ gà lớn. Dù đã qua nhiều lần thảm lại, vá víu, nhưng vẫn không che đậy được sự xuống cấp ngày càng thảm hại hơn. Bề mặt cầu hư hỏng như một chiếc áo rách vá chằng vá đụp, lộ cả sàn thép. Một số đoạn bê tông nhựa bị trôi tạo ra vết xé như những rãnh nước cắt ngang mặt cầu. Đến nay câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Sự xuống cấp nhanh chóng của mặt cầu là do trình độ hạn chế hay biết mà cứ làm?

Trong khi đó, nhiều chuyên gia ngành cầu đường cho rằng, mặt cầu nứt là do một số đoạn phải thi công trong thời tiết giá rét, nhựa đông kết nhanh. Thế nhưng, khi việc khắc phục, ngăn chặn sự hư hỏng đó không tỏ ra hiệu quả thì một số chuyên gia lại tìm ra lý do khác - đường xấu là do công nghệ mới ta chưa làm chủ được. Dư luận bức xúc, mỗi lần sửa chữa là bao nhiêu tiền của đổ vào đó, nếu không đảm bảo chất lượng mặt cầu thì thật lãng phí. Còn phía thi công thì luôn tìm cách “đổ lỗi” cho ngoại cảnh, mà đáng ra họ có chuyên môn, phải tính toán đủ cả rồi mới làm.

Điều khiến nhiều người băn khoăn đó là, nếu việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long được làm tốt ngay từ đầu thì sẽ không có chuyện lại phải làm báo cáo xin chủ trương sử dụng vốn vay JICA sửa chữa triệt để, sẽ không có việc gánh nặng nợ nần đè lên vai các thế hệ mai sau. Và cho dù bằng giải pháp gì đi nữa thì điều quan trọng vẫn là việc lựa chọn đơn vị thi công, giám sát thi công, cũng như kiểm tra chất lượng phải được thực hiện một cách nghiêm túc nhất. Nếu đảm bảo được điều này thì chất lượng công trình mới được cải thiện. Còn nếu vừa sửa xong đã hỏng thì thử hỏi mấy ai còn tin tưởng. Cũng như lần sửa trước đây, sau khi hoàn thành đoàn kiểm tra mới kết luận rằng áp dụng giải pháp chưa phù hợp thì đã quá muộn.

Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa tổng thể lần đầu tiên từ tháng 10 đến tháng 12-2009 với số kinh phí gần 100 tỷ đồng do nhà thầu là Công ty Bảo Quân thực hiện. Sau 2 tháng đưa vào khai thác, mặt cầu đã xuất hiện các vết rạn nứt cục bộ. Từ tháng 3-2010 đến nay đã qua 3 đợt sửa chữa, kinh phí do nhà thầu Bảo Quân chịu. Tuy nhiên, tháng 8-2012, hạn bảo hành cầu đã hết, trong tháng 9 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để tiếp tục vá víu mặt cầu.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Mặt cầu Thăng Long có cấu tạo rất đặc biệt, rải thảm bê tông nhựa trên bản thép, công nghệ phức tạp và không có nhiều nước sử dụng công nghệ này. Thời gian qua, Bộ đã mời các chuyên gia nước ngoài như Anh, Singapore để nghiên cứu, sửa chữa mặt cầu, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu. Trong khi đó, mặt cầu Thăng Long tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ nước ngoài. Quá trình chuyển giao có cái thành công, có cái thất bại. Mọi việc đều thành công là rất khó. Mặt cầu Thăng Long chúng ta nhận chuyển giao chưa được thành công lắm khi bỏ ra một số tiền lớn như vậy. Đây cũng là bài học sâu sắc cho quá trình chuyển giao công nghệ”.