Đề xuất ủy quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn cho Hà Nội trong đầu tư công

ANTD.VN - Sáng nay 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì  Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Cắt vốn các dự án chậm giải ngân

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công từ gần chục năm qua đã tạo ra nút thắt "cổ chai đối với nền kinh tế.

Tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay mà nhiều năm qua nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp.

Thủ tướng chỉ rõ, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy như: ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ; gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn; doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân, Thủ tướng nói: “Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì xèo, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được”.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nôi Nguyễn Đức Chung phát biểu tại đầu cầu Hà Nội

Đề xuất ủy quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn cho Hà Nội

Báo cáo tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, 9 tháng qua, Hà Nội giải ngân đạt 18.955 tỷ đồng; nguồn vốn ODA đạt 536,8 tỷ đồng. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Hà Nội đã thường xuyên họp hàng tuần, đột xuất để giải quyết tất cả các vướng mắc, khó khăn cho các ban quản lý dự án cũng như của các quận, huyện; đề xuất mô hình đặt hàng nhà tái định cư... TP cũng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận huyện phê duyệt chủ trương và thẩm định đầu tư các dự án, đẩy nhanh được tiến độ GPMB.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nêu đề xuất Chính phủ đồng ý ủy quyền cho TP Hà Nội có thể phê duyệt các dự án nhóm A sau khi xin ý kiến các bộ, ngành. Việc thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án nhóm A, TP sẽ tổ chức thực hiện sau khi có ý kiến của các bộ, ngành. Hà Nội cũng kiến nghị không  lấy mốc cứng 31-10 hàng năm để hoàn thành hồ sơ trình duyệt của các dự án mà bất cứ lúc nào dự án xong hồ sơ có thể trình HĐND TP phê duyệt. 

Thành phố cũng đề xuất chính phủ bổ sung nguồn vốn ODA đợt 3 cho dự án Đường sắt đô thị tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) và cho phép thanh toán theo tiến độ thi công; cho phép TP ứng vốn  từ ngân sách TP trả cho các đơn vị thi công, sau đó khi Trung ương bố trí vốn thì sẽ hoàn trả cho TP để đẩy nhanh tiến độ...

Sau khi lắng nghe ý kiến từ phía TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và ghi nhận Hà Nội có nhiều biện pháp mới, quyết liệt, trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong bối cảnh thể chế, chính sách, pháp luật đền bù có nhiều tồn tại. Thủ tướng nhấn mạnh, sự chủ động này rất quan trọng, giúp Hà Nội có thể thu hút đầu tư mạnh mẽ...