- Thường vụ Quốc hội sẽ họp liên tục để sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Số lượng, cơ cấu Trung ương Đảng khóa XIV gắn kết chặt chẽ với sắp xếp, tinh gọn bộ máy
![]() |
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ soạn thảo đang được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cụ thể, căn cứ định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ phân công UBND của 1 tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với UBND của tỉnh, thành phố còn lại xây dựng đề án sắp xếp đơn vị cấp tỉnh.
Hồ sơ đề án sáp nhập tỉnh gồm có tờ trình, đề án theo mẫu quy định, báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của HĐND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan; dự thảo nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị cấp tỉnh.
Ngoài ra hồ sơ đề án còn có hai bản đồ, gồm một bản đồ về hiện trạng địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh có liên quan và một bản đồ về phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Bộ Nội vụ lưu ý đề án sắp xếp đơn vị cấp tỉnh phải được lấy ý kiến nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết này.
Sau khi có kết quả, UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi HĐND cùng cấp để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của UBND cấp tỉnh cùng sáp nhập (cơ quan phối hợp).
Trên cơ sở hồ sơ đề án của UBND cấp tỉnh, Bộ Nội vụ tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ trình Quốc hội.
Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Dự thảo nêu rõ sắp xếp đơn vị cấp tỉnh quy định tại nghị quyết này là việc sáp nhập các đơn vị cấp tỉnh theo định hướng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương.
Dự thảo đề xuất 6 tiêu chí xác định đơn vị cấp tỉnh thực hiện sắp xếp.
Tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, thực hiện sắp xếp với đơn vị cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, đề xuất đơn vị cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.
Tiêu chí về địa kinh tế đề xuất là đơn vị cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế.
Quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị sau sắp xếp.
Tiêu chí về địa chính trị, dự thảo đề xuất cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.
Tiêu chí về quốc phòng, an ninh, dự thảo đề xuất việc sắp xếp đơn vị cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu