Đề xuất tăng trợ cấp xã hội cùng thời điểm cải cách tiền lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cùng với cải cách tiền lương, cần xem xét tăng chuẩn trợ cấp xã hội. Mức trợ cấp xã hội hiện nay là 360.000 đồng/tháng được đánh giá là quá thấp.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với mức chi khoảng 28.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế.

Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 3,3 triệu người và nhóm chăm sóc người tâm thần nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự phục vụ là khoảng 400.000 người.

Trong giai đoạn vừa qua, chính sách trợ giúp nhóm người yếu thế này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, mức chuẩn trợ cấp xã hội hiện rất thấp, chỉ đạt 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn của giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, giao cho Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp lên đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, khi cải cách tiền lương, khoảng cách giữa chuẩn trợ giúp xã hội sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần có lộ trình nâng mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.

Nếu tăng lên 500.000 đồng/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỉ đồng/năm. Còn phương án tăng lên 750.000 đồng, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỉ đồng/năm.