Đề xuất tăng trần làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm còn "khiêm tốn"

ANTD.VN - Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng đối với những ngành nghề đặc biệt, cần tăng khung giờ làm thêm tối đa lên 500 giờ/năm thay vì 400 giờ/năm như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.

Đề xuất nới trần làm thêm giờ để "cởi trói" cho những doanh nghiệp sản xuất có tính chất mùa vụ

Bộ LĐ-TB&XH đã công bố dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có đề xuất điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến các chính sách tiền lương, tuổi hưu, hợp đồng lao động. Một trong những nội dung được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm.

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh).

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Bàn về nội dung này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho rằng, thời gian quy định về khung giờ làm thêm hiện chưa phù hợp với ngành sản xuất trực tiếp, trong đó có ngành thuỷ sản.

Ngành sản xuất và chế biến thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào mùa cá, giờ tàu về, rồi đơn hàng nên cần phải linh động trong giờ làm thêm. Vào mùa cá, nguyên liệu do ngư dân đánh bắt được đem tới nhà máy quá nhiều. Doanh nghiệp không thể không nhận, nhưng nếu nhận thì phải sản xuất ngay. Việc này sẽ vi phạm giờ làm việc vì nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn thì phải tăng ca làm việc.

Cho nên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị sửa đổi quy định về thời giờ làm thêm tối đa trong năm theo hướng: Bảo đảm tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 400 giờ trong 01 năm , trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 500 giờ trong một năm.

Là một trong những ngành có đông lao động và chịu tác động rõ rệt của quy định thời giờ làm thêm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng: Giờ làm thêm nên nới rộng ra khoảng 50% so với luật hiện hành. Đối với các ngành có thể là 400 giờ/năm. Riêng với ngành đặc biệt, khu giờ làm thêm có thể là 450 giờ/năm.

Theo các chuyên gia lao động, đề xuất nới trần làm thêm giờ nhằm mục đích "cởi trói" cho các doanh nghiệp sản xuất theo mùa vụ, tăng tính linh hoạt, không những giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp người lao động nâng cao thu nhập.

Theo ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH để bảo đảm giá trị sức lao động bỏ ra tương xứng với thời gian làm thêm giờ, theo quy định hiện hành doanh nghiệp phải trả lương cao hơn bình thường 100%, 250%, 300% tùy vào trường hợp cụ thể.

Trong lần sửa đổi này, dự thảo sẽ có cơ chế thúc đẩy thương lượng, việc trả lương lũy tiến trong thời gian làm thêm giờ sẽ do hai bên thỏa thuận.