Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường quá cao

ANTD.VN - Mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể lên tới 8.000 đồng/lít. Đây là nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến, mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu tăng rất mạnh. Cụ thể, các loại xăng (trừ xăng ethanol) sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 chịu mức thuế thấp hơn là 2.700 - 7.200/lít đối với xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít đối với xăng E10. Tương tự, khung thuế BVMT đối với các loại dầu, trừ dầu hỏa cũng tăng gấp 2-3 lần hiện hành.

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường quá cao ảnh 1Tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng phải sử dụng đúng mục đích. Ảnh: LAM THANH

Khung thuế quá cao

Nhìn nhận về mức thuế mới theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thực ra, đây chỉ là khung thuế, mức 8.000 đồng/lít là mức trần, còn việc bao giờ tăng, tăng bao nhiêu thì Bộ Tài chính sẽ phải xây dựng lộ trình cụ thể. “Khung đó là quá cao, vì khi tăng lên 3.000 đồng, người ta đã cảm thấy rất sốc rồi. Hồi đầu năm, có thông tin Bộ Tài chính định nâng thuế BVMT lên 4.000 đồng, công luận đã phản đối gay gắt và cuối cùng Bộ Tài chính đã quyết định không nâng” - ông Ngô Trí Long cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, mức tăng của khung thuế BVMT trong dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra quá cao. “So với khung mức thuế BVMT đang được áp dụng 3.000 đồng thì nếu tăng kịch khung theo dự thảo của Bộ Tài chính có thể lên tới 8.000 đồng/lít xăng thì mức tăng lên tới trên 260%”.

Về đề xuất tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là điều không quá ngạc nhiên, vì loại thuế này sẽ tăng dần ở bất kỳ nước nào, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, cần đến nguồn kinh phí lớn để giải quyết. 

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách sụt giảm thì việc tăng thuế BVMT có thể là một giải pháp bù đắp ngân sách. “Tuy nhiên, việc tăng thuế BVMT ở mức nào, lộ trình ra sao cần phải có những đánh giá khách quan, khoa học. Không nên tăng một cách đột ngột mà phải có căn cứ cụ thể để chứng minh” - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Phải sử dụng thuế thu được để bảo vệ môi trường

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế BVMT chắc chắn sẽ làm tăng giá xăng dầu. Hiện nay, tỷ lệ thuế trong giá xăng dầu của Việt Nam thuộc loại cao so với nhiều nước trên thế giới, lên tới khoảng 50% (với các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế BVMT). Việc tăng thuế nếu không tính toán hợp lý sẽ khiến chi phí xăng, dầu phục vụ hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao do đó doanh nghiệp sẽ tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều quan trọng theo các chuyên gia là việc thu - chi thuế BVMT phải hết sức minh bạch. Thuế BVMT có dùng bảo vệ môi trường hay không phải được làm rõ, nếu tiền thuế đó được dùng để bảo vệ môi trường một cách hiệu quả thì người dân sẽ ủng hộ. 

Các chuyên gia cho rằng mức chi ngân sách cho môi trường ít hay nhiều không quan trọng, điểm cốt yếu là phải minh bạch, hiệu quả. “Nguyên tắc của tài chính là phải chi đúng mục đích, đừng chi vào những việc khác” - chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm. Theo ông Long, hiện nay, bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết, không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai. “Nếu không bảo vệ môi trường ngay từ bây giờ, có thể sau này chúng ta sẽ phải trả mức chi phí gấp hàng chục lần mà không khắc phục được” - ông Ngô Trí Long nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, tất cả các khoản thu chi liên quan đến môi trường đều phải công khai, phải đưa về một quỹ bảo vệ môi trường. “Nhiều khi những khoản phạt những vi phạm môi trường không thu về quỹ bảo vệ môi trường là không được” - ông Nguyễn Minh Phong nói.