Đề xuất tăng thời giờ làm thêm vượt khung để phục hồi sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng giới hạn làm thêm theo tháng theo hướng không áp dụng giới hạn làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng; được áp dụng làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, công việc.
Cơ quan soạn thảo để xuất không áp dụng giới hạn làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng

Cơ quan soạn thảo để xuất không áp dụng giới hạn làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng tờ trình về việc ban hành Nghị quyết cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 01 năm.

Theo dự thảo tờ trình, đối tượng được thực hiện việc tăng giới hạn làm thêm trong tháng bao gồm: doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

Hướng nâng giới hạn làm thêm theo tháng là không áp dụng giới hạn làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng; được áp dụng làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề, công việc.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động vẫn giữ nguyên quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ chuyển ca... Như vậy, với quy định này người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa nguồn lực khi bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tiến hành phục hồi sản xuất.

Thời gian thực hiện là từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024 (thực hiện trong trong khoảng thời gian làm việc trước ngày 1/1/2025).

Lý giải nguyên nhân của đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù đến nay, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, tuy nhiên để đến giai đoạn bình thường mới, bên cạnh duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì tỷ lệ người dân được tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng ước tính phải đến cuối năm 2022.

Ước tính đến hết năm 2024, nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, thì hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ổn định bình thường trở lại. Điều này cũng nhằm vừa tạo điều kiện phục hồi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cũng không quá dài gây quá tải cho người lao động có thể phải làm thêm liên tục trong khoảng thời gian dài.

Thời gian qua, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50% ở không ít các doanh nghiệp. Nhất là doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như: dệt may, da, giày, chế biến thuỷ, hải sản…lực lượng lao động có khi giảm xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất và các hợp đồng đã ký kết.

Theo quy định tại Điều 107 Bộ Luật lao động thì người sử dụng lao động tại một số ngành, nghề như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản… được phép thoả thuận với người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm và tổng thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng.

Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch, có nhiều khoảng thời gian người lao động phải ngừng việc và cũng không sử dụng quỹ thời gian được phép làm thêm giờ.

Đến khi có thể tổ chức sản xuất trở lại, doanh nghiệp và người lao động muốn thoả thuận làm thêm giờ để bù cho khoảng thời gian phải ngừng làm việc, mặc dù vẫn tuân thủ thời gian tối đa làm thêm giờ trong năm và thời gian làm thêm tối đa trong ngày nhưng lại bị giới hạn về số giờ làm việc trong tháng không quá 40 giờ.

Quy định quá chặt chẽ này của Bộ luật lao động đã gây khó khăn cho người sử dụng lao động thoả thuận với người lao động làm thêm giờ trong giai đoạn rất cần thiết này, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Điều này đã dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sự chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang các nước khác, và cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế khác của Việt Nam.

Vì vậy, cơ quan này cho rằng, việc cho phép người sử dụng lao động không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng và được làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong khoảng thời gian nhất định là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đề xuất tạm thời điều chỉnh quy định về thời gian làm thêm giờ phải bảo đảm phù hợp với bối cảnh hiện nay, dự báo được khoảng thời gian thực hiện, bảo đảm sức khoẻ của người lao động để duy trì khả năng lao động lâu dài, đồng thời phải bảo đảm sự đồng thuận của người lao động trong quá trình thực hiện.