Đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP, trong đó có đề xuất tăng mức phí với một số đối tượng.

Theo đó, đối với nước thải sinh hoạt, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thu phí bảo vệ môi trường.

Phương án 1 là giữ nguyên mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Nhiều đối tượng có thể sẽ chịu mức phí bảo vệ môi trường với nước thải cao hơn hiện tại

Phương án 2 là áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Riêng các trường hợp nước thải của các cơ sở rửa ô tô, xe máy, sửa chữa ô tô, xe máy; bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác sẽ phải áp dụng mức phí 15%/m3. Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính là một số địa phương cho rằng nước thải sinh hoạt của những cơ sở này có mức độ ô nhiễm môi trường cao hơn so với nước thải của các cá nhân, hộ gia đình.

Đối với nước thải công nghiệp, theo quy định hiện hành phí bảo vệ môi trường nước thải đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước xả thải dưới 20m3/ngày là 1,5 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, theo đề xuất mới của Bộ Tài chính, các cơ sở có mức nước thải dưới 5m3/ngày đêm sẽ nộp mức thuế cố định 1 triệu đồng/năm; từ 5m3 đến dưới 10m3 nộp 1,5 triệu đồng/năm; từ 10m3 đến dưới 20m3 nộp 20 triệu đồng/năm.

Đối với những cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải tử 20m3 trở lên, sẽ phải nộp mức phí cố định 2 triệu đồng/năm (thay vì 1,5 triệu đồng như quy định hiện hành) cộng với phí biến đổi (tính theo tổng lượng nước thải ra; hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất theo quy định).