Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính về giao thông, bất động sản

ANTD.VN - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-2 đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa ở 10 lĩnh vực…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42

Sáng nay, 10-2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ( XLVPHC). Một trong những nội dung được quan tâm nhất tại dự án luật này là đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa và bổ sung mức phạt tiền tối đa với một số lĩnh vực.

Theo đó, so với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: Tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra dự án luật này từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đề xuất.

Theo cơ quan thẩm tra, tực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt vi phạm hành chính là thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngay từ đầu năm 2020, cả nước đã phải đối mặt với tình hình khó khăn là dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra với mức độ diễn biến hết sức phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch này; kiên quyết vừa chống dịch, không để dịch chồng dịch, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.