Đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu

ANTĐ - Chính phủ vừa đưa Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ra lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ, bắt đầu từ năm 2016. Theo đó, cán bộ, công chức sẽ làm việc tới 62 tuổi mới nghỉ hưu.

Lao động trong nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm (Ảnh minh họa)

Vợ sinh con, chồng được nghỉ

Liên quan tới chế độ nghỉ thai sản, dự thảo quy định, lao động nữ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Dự thảo cũng quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Đặc biệt, dự thảo còn quy định, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì khi vợ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong vòng 30 ngày đầu vợ sinh con. Đối với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật thì lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự thảo đề xuất, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi hoặc nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Đặc biệt, về độ tuổi nghỉ hưu, dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu với từng nhóm đối tượng. Ở phương án 1, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi (cả nam và nữ). Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. 

Tăng tuổi hưu là bắt buộc?

Đề cập tới cơ sở để tăng tuổi hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, dự báo, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành và số dư quỹ tính đến cuối năm 2012 (gần 250.000 tỷ đồng), đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Điều này dẫn tới khả năng, đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả hay nói cách khác là... vỡ quỹ. 

Cùng quan điểm, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho rằng, để đảm bảo sự bền vững tài chính lâu dài của quỹ (trong 50 hoặc 100 năm tới) thì việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam và nữ và giảm mức chi cho lương hưu là không thể tránh khỏi. Nhìn vấn đề ở góc độ khác, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc thực hiện ngay lập tức tất cả các khuyến nghị của ILO về BHXH là điều không thể đối với Việt Nam. Thêm nữa, việc thay đổi cùng lúc nhiều nội dung của chế độ hưu trí sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động nên cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo và có bước đi thích hợp. Đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng tỏ ra thận trọng: “Không thể bỏ qua yếu tố tâm lý xã hội vào thời điểm hiện tại. Trong những điều kiện cụ thể, có lẽ chưa nên đặt vấn đề nâng độ tuổi hưu trí lên 65”.

Cùng với việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, dự thảo cũng đề nghị điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng của người lao động từ năm 2016. Cụ thể, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm; năm 2017 là 17 năm; năm 2018 là 18 năm; năm 2019 là 19 năm và năm 2020 là 20 năm. Lương hưu sẽ được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế.