Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy chế trả lương của Viettel

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc sửa, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP quy định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016-2020.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy chế trả lương của Viettel

Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quá trình triển khai thực hiện các quy định về quản lý lao động, tiền lương là phù hợp, cơ chế quản lý tiền lương đã tạo điều kiện đế Tập đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng an ninh được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, thực hiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại theo Quyết định số 18/QĐ-TTg, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có sự thay đổi.

Cụ thể, Công ty cổ phần Công trình Viettel nhận thêm nhiệm vụ vận hành khai thác hệ thống mạng từ công ty mẹ - tập đoàn chuyển đến từ ngày 1/4/2017.

Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel nhận thêm nhiệm vụ bán hàng viễn thông tại cửa hàng, điểm bán từ công ty mẹ - tập đoàn chuyển đến từ ngày 1/6/2018.

Trong quá trình tiếp nhận nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh mới, có sự chuyển đổi loại hình lao động từ cộng tác viên sang lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và bổ sung tăng lao động theo yêu cầu nhiệm vụ.

Trong năm 2020, dự kiến sẽ thực hiện sáp nhập 2 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, và chuyển nhiệm vụ bán hàng viễn thông tại kênh điểm bán giữa các đơn vị của tập đoàn sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ trên thì tiền lương của các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới chưa tính trong đơn giá tiền lương đã được giao ổn định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống.

Mặt khác, việc thực hiện giao đơn giá tiền lương ổn định theo nguyên tắc quy định của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới này tại công ty con cũng không thực hiện được.

Trong khi đó, thời điểm này cũng là năm cuối của giai đoạn thí điểm nên việc giao đơn giá ổn định tiền lương cũng không có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các công ty.

Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2016/NĐ-CP để xác định tiền lương đối với người lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới cho phù hợp.

Hướng sửa đổi là không xác định đơn giá tiền lương mà xác định quỹ tiền lương thực hiện trên cơ sở tiền lương bình quân và số lao động bình quân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh mới tại các công ty con gắn với các điều kiện về hiệu quả và năng suất lao động.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung một khoản quy định về việc xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với người lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới phát sinh trong giai đoạn 2016 - 2020 tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, tổng công ty, công ty con do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo đó, từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh mới tiếp nhận đến khi đủ năm tài chính theo quy định pháp luật, quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở: số lao động thực tế sử dụng bình quân; mức tiền lương và mức thù lao bình quân của người lao động và cộng tác viên tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh đó ở công ty mẹ khi chuyển giao.