Đề xuất rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần 2, trong đó, điểm đáng chú ý là đề xuất rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Đối với phương án tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị rút ngắn lộ trình. Theo phương án cũ, phải mất 8 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, mất 20 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 thì tại dự thảo lần 2, lộ trình này rút xuống lần lượt 4 và 10 năm. 

Lo thu không đủ bù chi

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH vẫn đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện hành, theo đó, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 tuổi, tức tăng lần lượt 2 tuổi và 5 tuổi so với hiện nay. 

Cũng theo dự thảo lần 2, việc tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình tăng nhanh hơn. Nếu như dự thảo lần 1, mỗi năm tăng 3 tháng tuổi nghỉ hưu thì trong dự thảo lần 2, mỗi năm tăng 6 tháng tuổi nghỉ hưu. Tốc độ tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được đẩy nhanh gấp đôi so với dự thảo lần 1. Nếu phương án này được thông qua và tuổi nghỉ hưu bắt đầu tăng từ năm 2021 thì đến năm 2031 lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 và năm 2025 lao động nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62.

Trong giải trình gửi  Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã nêu rõ các lý do cần tăng tuổi nghỉ hưu. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, lý do quan trọng nhất là nếu giữ nguyên mức đóng - hưởng, thời gian đóng - hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối dài hạn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, phải trích từ quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034, phần quỹ kết dư trả hết, phải lấy ngân sách bù vào.

Nếu phương án mới được thông qua và tuổi nghỉ hưu bắt đầu tăng từ năm 2021 thì đến năm 2031, lao động nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 và năm 2025 lao động nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62.

Lý do thứ hai, nếu không nâng tuổi hưu và muốn đảm bảo tài chính bền vững của quỹ thì phải nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp, hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động.

Xu hướng nâng mức đóng khó hơn vì sẽ tăng gánh nặng tài chính cho người lao động, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khó khăn trong đảm bảo mức sống của người lao động. Trong khi đó, phương án giảm mức hưởng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Vì vậy, tăng tuổi hưu là cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, còn nhiều lý do được đưa ra như tuổi thọ bình quân của người Việt tăng nhiều so với trước nên thời gian hưởng lương hưu khá dài, hay nâng tuổi hưu để ứng phó xu hướng già hóa dân số, thiếu lao động…

Phương án 2 tại Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi lần 2 rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Tạo áp lực cho lao động trẻ

Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, ngay trong dự thảo lần 1 đã có nhiều ý kiến lo ngại tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu tới lao động trẻ hiện đang thất nghiệp rất cao. Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thất nghiệp đang có xu hướng tăng trở lại ở nhóm có trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Cụ thể, trong tổng số hơn 470.000 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp trong quý IV-2016, có tới gần 50%, tương đương khoảng hơn 218.000 người có trình độ đại học trở lên.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động xã hội, việc tăng tuổi hưu phù hợp xu hướng chung của thế giới. Song ông cũng chỉ ra rằng, các nước khi tăng thường có lộ trình kéo dài 15-20 năm, trong khi Việt Nam rút ngắn xuống còn 4-10 năm là quá nhanh và lộ trình này sẽ tạo áp lực về việc làm cho lao động trẻ.

“Tuổi nghỉ hưu của nam 62, nữ 60 là phù hợp với các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhưng thu nhập của người Việt còn thấp nên phương án này không thể áp dụng cho thời điểm hiện tại mà phải tính xa hơn. Phương án hợp lý là mỗi năm tăng từ 1 đến 3 tháng cho đến khi đạt được tuổi nghỉ hưu mong muốn”, TS Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng như nhà khoa học, kỹ sư, bác sỹ để tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Đối với lao động trực tiếp như công nhân, giáo viên mầm non… thì độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại là hợp lý. Thậm chí, người lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại nên được điều chỉnh giảm độ tuổi nghỉ hưu.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực lao động gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp không thể tăng.