Đề xuất quy định rõ cấp nào phê duyệt thì cấp đó được điều chỉnh quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại tổ sáng 30-10, liên quan đến Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải xem xét sửa đổi tổng thể để hoạt động đấu thầu bảo đảm hiệu quả, công bằng giữa giá và chất lượng.

“Tôi đề xuất bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công cũng như các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên được áp dụng như đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công” – đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị.

Về những nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội), cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng đến mục tiêu lâu dài. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 liên quan đến nội dung nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch, đại biểu đề xuất bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp để giải quyết những trường hợp đang thực hiện dở dang phải thanh quyết toán nội dung “đối với trường hợp đã bố trí nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch và đã thanh toán trước thời điểm Luật có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn đã bố trí mà không cần phải điều chỉnh”.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) thảo luận

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đánh giá cao các nội dung trong dự thảo “một luật sửa bốn luật” được Chính phủ trình Quốc hội lần này. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

“Tôi cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ cấp nào phê duyệt thì cấp đó được phép điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch và yêu cầu phát triển thực tiễn. Đồng thời, cần giao trách nhiệm cho cấp có thẩm quyền trong việc điều chỉnh quy hoạch, ví dụ quy hoạch cấp tỉnh giao cho UBND tỉnh” – đại biểu nêu quan điểm.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ
Quang cảnh phiên thảo luận tổ

Thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi 4 luật, đại biểu Hoàng Duy Chinh(đoàn Bắc Kạn) nhận định, dự luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Việc này trước tiên là tạo điều kiện cho Chính phủ không phải xem xét, giải quyết những công việc mang tính chất sự vụ, đồng thời tạo tính chủ động cho các cấp, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với giao trách nhiệm cao hơn cho địa phương trong việc quyết định triển khai các dự án theo thẩm quyền gắn với quy hoạch đã được phê duyệt.

Cũng theo đại biểu Hoàng Duy Chinh, nếu dự án đã được cấp có thẩm quyền, trung ương phê duyệt thì “automattic” mà làm, không cần thiết phải xin cấp phép các nội dung chi tiết trong dự án đó nữa, như vậy mới đảm bảo thời gian, tiến độ, nhất là các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, cần quy định thêm nội dung cấm lợi dụng dự án để sử dụng đất sai mục đích.

Về quy định thu hồi dự án đầu tư, dự thảo đã quy định chặt chẽ hơn, theo đó, nếu dự án không thực hiện đúng cam kết thì phải thu hồi. Còn về sửa đổi quy định trong Luật Đấu thầu, quan trọng nhất là phải căn cứ vào giá thầu, để làm sao người dân phải được hưởng lợi cao nhất.