Đề xuất quy định mới về xuất khẩu tiểu ngạch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Công Thương, có tình trạng lợi dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới để xuất khẩu tiểu ngạch, không có lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nên cần thay đổi cách thức quản lý.
Bộ Công Thương đề xuất tiến tới hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch

Bộ Công Thương đề xuất tiến tới hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch

Bộ Công Thương đang xin ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về thương mại biên giới.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại biên giới trong những năm gần đây đã có bước phát triển tốt, đóng góp đáng kể trong thương mại song phương của Việt Nam với các nước có chung biên giới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động thương mại khu vực biên giới chưa thật sự sôi động, quy mô còn hạn chế, mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Đáng chú ý là tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vẫn còn diễn ra khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp Lễ, Tết, nhất tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng, “Các quy định hiện nay rất thông thoáng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới đất liền, đặc biệt là với xuất khẩu. Cụ thể, mọi tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh (thương nhân) đều được quyền xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Cá nhân không có đăng ký kinh doanh, nếu cư trú tại khu vực biên giới, cũng được quyền xuất khẩu hàng hóa qua biên giới nếu đó là hàng sản xuất tại Việt Nam. Thương nhân và cư dân có thể xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu;

Việc xuất khẩu hàng hóa có thể được thực hiện ở tất cả các cửa khẩu cũng như lối mở; Thương nhân và cư dân không nhất thiết phải xuất trình hợp đồng mua bán bằng văn bản với cơ quan hải quan khi xuất khẩu hàng hóa. Thương nhân có thể tự lập bảng kê hàng hóa để thay cho hợp đồng;

Cùng với đó, đồng tiền thanh toán và phương thức thanh toán đối với hoạt động xuất khẩu cũng rất linh hoạt”.

Điều này đã và đang phần nào gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng thực thi tại khu vực cửa khẩu trong công tác thống kê chính xác số liệu xuất nhập khẩu theo đúng mục đích, hình thức thương mại; trong công tác kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu một cách có hiệu quả.

Riêng đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế, tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới diễn ra khá sôi động.

Theo quy định của Trung Quốc, hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân biên giới sẽ được hưởng một số ưu đãi nhất định. Ví dụ như được miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế nếu giá trị hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày. Đặc biệt, nhiều nông sản của Việt Nam mặc dù chưa được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc (như nhiều loại trái cây, thịt lợn) nhưng vẫn có thể bán vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân.

Do có các ưu đãi này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn, cụ thể là lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu các lô hàng lớn. Đây chính là hoạt động “tiểu ngạch” như vẫn được đề cập tới thời gian qua.

Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), sau khi qua biên giới, sẽ được gom về tiêu thụ tại các chợ biên giới bên phía Trung Quốc. Xuất khẩu tiểu ngạch dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như chanh leo, na, roi) hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc (như không có mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp …).

Thậm chí, để tận dụng ưu đãi thuế, một số mặt hàng tuy đã được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc (như sản phẩm sắn, quả vải) vẫn chủ động chuyển sang hình thức tiểu ngạch để xuất khẩu vào Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động nhập khẩu tại khu vực biên giới, siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản nhập khẩu… nên phương thức xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững, không còn có nhiều cơ hội cho hàng nông thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là những hàng nông thủy sản chưa đăng ký truy xuất nguồn gốc.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, cần đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân. Không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn.

Hàng hóa xuất khẩu, bao gồm cả nông sản, xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào, qua bất kỳ cửa khẩu nào, đều phải đáp ứng được các điều kiện như xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (xuất khẩu chính ngạch).

Cùng với việc đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất các điều khoản chuyển tiếp là: Kể từ ngày 1-1-2025, giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân;

Hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.

Đặc biệt, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân; Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.

Kể từ ngày 1-1-2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Kể từ ngày 1-1-2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.

Và kể từ ngày 1-1-2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.