Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ mỗi năm, đổi tên một Ủy ban vì "tên quá dài"

ANTD.VN - Cho rằng việc Quốc hội họp 2 kỳ/ năm như hiện nay là chưa hợp lý, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội nên tổ chức 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách…

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Quốc hội

Chiều 12-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH cùng chung quan điểm là phải nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách và quy định rõ ngay trong luật.

Góp ý về vấn đề này, ĐB Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế "mở", chính sách đặc biệt để thu hút những người giỏi tham gia làm ĐBQH chuyên trách.

Mặt khác, để nâng cao hoạt động của Quốc hội, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất Quốc hội thay vì họp 2 kỳ/ năm, mỗi kỳ kéo dài trên dưới 1 tháng như hiện nay thì nên tổ chức họp 4 kỳ/năm, mỗi kỳ khoảng 2 tuần để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, cũng như tạo điều kiện cho các ĐBQH kiêm nhiệm dễ dàng sắp xếp thời gian thực hiện nhiệm vụ.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thay đổi, phát triển nhanh chóng, công tác chuẩn bị các dự án luật của các ngành, các địa phương, các ủy ban của Quốc hội kéo dài, nên chăng, các kỳ họp có thể tổ chức thành 4 kỳ/năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, để đáp ứng yêu cầu giải quyết được những công việc gấp, cần thiết, cấp bách” - ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

Một vấn đề khác được khá nhiều ĐBQH cùng đề xuất là “nâng cấp” hai ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện nay (Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu) lên thành một Ủy ban thuộc Quốc hội.

ĐB Y Khút Niê (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, khi được nâng cấp lên thành Ủy ban thì hai ban này sẽ phát huy được sức mạnh trong tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để đạt được hiệu quả hơn trong công tác tổ chức bộ máy và thực hiện trách nhiệm đối với công dân.

Tuy nhiên, giơ biển tranh luận lại với một số ĐBQH có ý kiến trên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu có nhiệm vụ giúp việc cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì thế nếu nâng lên thành Ủy ban của Quốc hội thì cần cân nhắc thận trọng.

Cũng liên quan đến bộ máy của Quốc hội, một số ĐBQH khác phản ánh, tên gọi “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội” quá dài, có tình trạng tại nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các ĐB khi nhắc đến Ủy ban này thường gọi tắt là “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục” hay “Ủy ban Thanh thiếu niên”. Vì thế, một số ĐBQH đề nghị Quốc hội cân nhắc đổi tên Ủy ban này cho phù hợp hơn.

Ngoài ra, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có nhiều ĐBQH được cho thôi nhiệm vụ ĐBQH nhưng tất cả đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho thôi. “Tôi nghĩ rằng, với một hai trường hợp, cần để Quốc hội có ý kiến, biểu quyết cho thôi nhiệm vụ ĐBQH nếu ĐB có đơn xin thôi” – ĐB Hòa đề nghị.