Đề xuất “nới” Chương trình ưu đãi thuế ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính đề xuất kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô (dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2022) và nới một số điều kiện đối với doanh nghiệp...

Doanh nghiệp muốn tiếp tục được ưu đãi thuế

Trước đó, trước bối cảnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA đối với mặt hàng ô tô giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ/CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ/CP, bổ sung Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, thực hiện từ 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.

Theo đó, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện đề ra trong Chương trình được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/ND-CP bổ sung 2 Nghị định trên, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của Chương tình ưu đãi thuế cho phù hợp yêu cầu và bối cảnh mới.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện Chương trình ưu đã thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô trong hơn 3 năm qua cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Chương trình đã hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với ô tô nhập khẩu, đồng thời, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng dịch Covid-19 dự báo sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có ngành ô tô.

Cùng với đó, doanh nghiệp ô tô đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của ô tô nhập khẩu trong bối cảnh cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại ma Việt Nam tham gia.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô muốn được kéo dài thời gian ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô muốn được kéo dài thời gian ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện

Để thúc đẩy ngành ô tô trong nước phát triển bền vững, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy Hải Dương, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô gần đây đã có kiến nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn Chương trình để các doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục đầu tư và xây dựng kế hoạch sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời đề nghị thay đổi một số điều kiện để phù hợp hơn với bối cảnh thực tế.

Đề xuất “nới” một số điều kiện

Trước thực tế đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành doanh nghiệp cho ý kiến về điều chỉnh Chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô.

Trong đó, về điều kiện tiêu chuẩn khí thải, thì từ năm 2022 trở đi, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô phải đáp ứng điêu chuẩn khí thải mức 5 trở lên, trừ các xe sản xuất, lắp ráp đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường từ trước ngày 1/1/2022 và còn hiệu lực.

Về sản lượng chung tối thiều cho từng nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu cho ít nhất 1 mẫu xe, qua xem xét số liệu sản xuất của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng nhận thấy, sản lượng 02 kỳ trong năm có sự chênh lệch do việc bán hàng còn dựa vào các chu kỳ Tết và diễn biến thị trường. Tính chung cả năm sản lượng cả năm có thể có trường hợp đạt mức sản lượng theo yêu cầu nhưng tính theo từng kỳ 06 tháng thì có kỳ thiếu.

Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án là kỳ xét ưu đãi 6 tháng hoặc kỳ xét ưu đãi 12 tháng. Trong đó, doanh nghiệp được chọn phương án kỳ xét ưu đãi 12 tháng đối với trường hợp có 01 kỳ không đạt tiêu chí về sản lượng nhưng tổng thể cả năm (12 tháng) vẫn đạt tổng sản lượng tối thiểu quy định tại dự thảo Nghị định.