Đề xuất nhiều thiết chế độc lập

ANTĐ - Ngày 4-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chia sẻ khó khăn, vất vả, nguy hiểm với lực lượng công an trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, có ý kiến đề xuất nên hiến định chính sách hậu phương đối với Công an nhân dân.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, hiện nay, đấu tranh giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đang là một mặt trận nóng bỏng, không kém phần gian khổ. Rất nhiều chiến sỹ công an đã hy sinh trên mặt trận này để giữ bình yên cho cuộc sống. Do đó, cần nghiên cứu trong Hiến pháp, có chính sách đối với hậu phương công an, đặc biệt lực lượng đấu tranh trên mặt trận phòng, chống tội phạm. Ông nói: “Tội phạm ngày càng nguy hiểm và rất manh động. Chúng ta cũng thấy, trong những ngày vui, ngày lễ, ngày tết, mỗi gia đình được bình yên, đầm ấm sum họp bên nhau nhưng lực lượng Công an vẫn phải "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi". Đây là sự hy sinh thầm lặng. Chúng tôi đề nghị Hiến pháp cần quy định, có chính sách hậu phương đối với Công an nhân dân”.

ĐB Bùi Văn Phương cũng cho rằng, trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, thiết bị khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu không tự chủ được thiết bị mà lệ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài thì vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia rất khó khăn. Vì vậy, cùng với việc phát triển công nghiệp quốc phòng, nên đặt vấn đề công nghiệp an ninh để đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Đề cập đến vai trò của kinh tế Nhà nước, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, khi đã quy định các chủ thể kinh tế được hợp tác, cạnh tranh bình đẳng thì không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp. Ông lập luận: “Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế Nhà nước đang có nhiều vấn đề và trong lịch sử kinh tế thế giới cũng chưa thấy một nền kinh tế nào phát triển đạt tới trình độ cao mà dựa trên nền tảng chủ đạo của kinh tế Nhà nước”. Nhìn vấn đề ở góc ngược lại, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nói: “Vai trò chủ đạo, định hướng nền kinh tế phải là kinh tế Nhà nước. Sự chưa hiệu quả lúc này, lúc khác trên thực tế của thành phần kinh tế này là do cơ chế quản lý kinh tế và năng lực quản lý điều hành chứ không phải do vai trò của nó...”.

Dẫn lại câu chuyện Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhiều lần phải đăng đàn giải thích thắc mắc của ĐBQH về số liệu của Tổng cục Thống kê, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) kiến nghị, nên xem xét đưa Tổng cục Thống kê thành một cơ quan độc lập để “số liệu sẽ chính xác hơn”. Ông cũng cho rằng, đã đến lúc xem xét cân nhắc đưa Ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập để “tính kiểm soát và điều hành phù hợp với thực tế”. 

Cũng liên quan tới các thiết chế độc lập, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp thiết chế Ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia. Ông nói: “Cơ quan này sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn, răn đe cũng như tham gia xử lý những vụ tham nhũng lớn. Cần hiến định rõ cho cơ quan này có thực quyền để có thể phòng, chống một cách có hiệu quả nạn tham nhũng...”.

Nội dung về tổ chức chính quyền địa phương cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. Nhiều ý kiến chưa thỏa mãn với cả 2 phương án nêu trong dự thảo. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, cần khẩn trương tổng kết cả về lý luận và thực tiễn việc thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện phường để các ĐBQH có đủ thông tin chính thức trước khi tham gia ý kiến về vấn đề hệ trọng này.  “Chậm trễ đến mức nào đó có thể dẫn đến cản trở và kìm hãm sự phát triển” - ĐB Bùi Mạnh Hùng cảnh báo.