Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII:

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

ANTĐ - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng, tinh thần làm việc khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao sắp kết thúc. ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng) trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về kết quả từ kỳ họp này.

Tình trạng đất bỏ không được hy vọng là sẽ chấm dứt với những giải pháp được đưa ra

- PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII?

- Ông Lê Như Tiến: Thành công của kỳ họp trước hết là đã hoàn thành tất cả nội dung dự kiến trong chương trình. Đó là các nội dung về xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đều đã được Quốc hội xem xét, thông qua, cho ý kiến rất đầy đủ, sâu sắc. Kỳ họp này Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, làm cơ sở để lấy ý kiến toàn dân, các tổ chức, cơ quan hữu quan.

Bên cạnh đó cũng có một bộ luật rất cần điều chỉnh, liên quan đến cuộc sống mỗi người dân là Luật Đất đai cũng được đưa ra thảo luận, sửa đổi tương đối cơ bản. Căn cứ điều kiện thực tế hiện nay, nhiều chế định đã được đưa vào luật như thời hạn cấp đất, thẩm quyền cấp đất và thu hồi đất, định giá đất, hạn điền… Nếu thông qua sớm Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương xử lý các vấn đề đất đai đang phát sinh hàng ngày. Và một nghị quyết quan trọng rất được cử tri, các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ quan tâm đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết này chưa từng có trong tiền lệ để biến những chế định của Hiến pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội trở thành hiện thực, mở ra văn hóa từ chức. 

- Thưa ông, những ý kiến của cử tri, những vấn đề người dân quan tâm có ý nghĩa thế nào trong kỳ họp này?

- Kỳ họp đã phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của cử tri phản ánh với Quốc hội. Tại các phiên chất vấn, ý kiến của cử tri về nhiều vấn đề như phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, sử dụng ngân sách của các tập đoàn nhà nước, vấn đề của các dự án thủy điện mà điển hình là thủy điện Sông Tranh 2, được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng hay như vấn đề được người dân quan tâm là sự yếu kém của ngành ngân hàng, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng được các đại biểu thảo luận, trao đổi sôi nổi. Đó chính là hơi thở cuộc sống trong diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên nếu như có nhiều thời gian hơn cho các phiên chất vấn để các đại biểu theo đến cùng vấn đề sẽ đề xuất được nhiều giải pháp hơn.

- Xin cảm ơn ông!