Đề xuất loại bỏ "trang tin điện tử tổng hợp"

ANTĐ - Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng  của Quốc hội tổ chức ngày 10-7, nhiều chuyên gia cho rằng nên loại bỏ loại hình trang tin điện tử tổng hợp.

Góp ý vào vấn đề này, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng, thực tế hiện nay có tình trạng nhiều trang tin điện tử tổng hợp lấy mỗi bài báo một ít rồi chế biến thành bài của mình. Làm báo a dua và cắt dán như vậy đang là mối nguy hại lớn. Do vậy, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) nên quy định chi tiết để khắc phục, khống chế tình trạng trên.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Le Media kiến nghị phải loại bỏ khái niệm “trang tin điện tử tổng hợp” trong dự án Luật. Theo đó, chỉ có các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí, cho dù đó là báo điện tử hay chuyên trang điện tử. Ông Lê Quốc Vinh cũng đề xuất bổ sung chức năng bảo vệ bản quyền báo chí vào nội dung quản lý Nhà nước về báo chí trong dự án Luật; bổ sung vai trò trọng tài cho Hội Nhà báo Việt Nam trong các tranh chấp về bản quyền báo chí. 

Liên quan đến quyền tự do báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ. Việc hạn chế quyền tự do báo chí phải được quy định bằng luật. Do vậy, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) lần này phải cụ thể hóa tinh thần đó. Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất trong Dự án Luật cần có quy định cụ thể tạo điều kiện cho nhà báo về cơ chế chính sách để nhà báo yên tâm thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, vô tư.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 khóa XIII diễn ra vào tháng 10-2015 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 3-2016.