Đề xuất làm cao tốc nối Tiền Giang với Đồng Tháp, kinh phí hơn 9.500 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh được đề xuất đầu tư dài khoảng 33,8km, đi qua địa phận hai tỉnh Tiền Giang (dài 8,4km) và Đồng Tháp (dài 25,4km).

Ban QLDA Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.

Theo đó, tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh được đề xuất đầu tư dài khoảng 33,8km, đi qua địa phận hai tỉnh Tiền Giang (dài 8,4km) và Đồng Tháp (dài 25,4km).

Điểm đầu dự án tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với đường tỉnh 856 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Cao tốc An Hữu- Cao Lãnh dài gần 34km, tổng mức đầu tư hơn 9.500 tỷ đồng

Cao tốc An Hữu- Cao Lãnh dài gần 34km, tổng mức đầu tư hơn 9.500 tỷ đồng

Dự án được nghiên cứu đầu tư theo hai giai đoạn: Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mặt cắt ngang 24,75m, tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư khoảng 9.508 tỷ đồng.

Giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1), dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17m, vận tốc 80 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 6.944 tỷ đồng.

Tại tờ trình, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT triển khai dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với phần kinh phí hỗ trợ ngân sách Nhà nước chiếm 50% tổng mức đầu tư (3.472 tỷ đồng), thời gian hoàn vốn khoảng 27 năm.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí với mức thu khởi điểm là 1.700 đồng/km/xe tiêu chuẩn và sẽ tăng từ 200 – 300 đồng/sau mỗi 3 năm. Dự kiến đến giai đoạn 2054 – 2056 – thời điểm kết thúc dự án, mức phí sẽ lên tới 5.400 đồng/km/xe tiêu chuẩn.

Ban QLDA Mỹ Thuận tính toán, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, dự án sẽ bắt đầu tuyển chọn nhà đầu tư vào tháng 9/2022, khởi công xây dựng vào tháng 5/2023 và hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.

Đồng thời, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép dự án áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu như quy định tại Điều 82 Luật PPP.

Cũng theo Ban QLDA Mỹ Thuận, trường hợp được cấp thẩm quyền thông qua, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án sẽ thực hiện trong hai năm 2022 - 2023, cơ bản hoàn thành thông tuyến năm 2025.

Khi đầu tư thông tuyến, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh sẽ kết nối các tuyến trục dọc như: QL1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 -Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.