Đề xuất giao Bộ Công an giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -'Việc giao Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là có cơ sở pháp lý và thực tiễn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này'...

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, liên quan đến các quy định về cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên, một số ý kiến ĐBQH tán thành dự thảo Luật, quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Công an. Có ý kiến đề nghị giao Bộ Tư pháp.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, việc giao cho Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là có cơ sở pháp lý và thực tiễn, vừa bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong quản lý công tác điều tra, quản lý thi hành án hình sự và trường giáo dưỡng; đồng thời thống nhất với hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi hiện nay đang do Lãnh đạo Bộ Công an làm Trưởng ban…

Về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của BLHS2015 thành biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH). Có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp này.

Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp XLCH; đồng thời phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH, theo UBTVQH, trường hợp vụ án có liên quan đến bồi thường thiệt hại và các bên đồng thuận việc giải quyết bồi thường thì việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp XLCH như dự thảo Luật (cũng là kế thừa quy định của BLHS hiện hành) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp NCTN có đủ điều kiện luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp XLCH thay vì quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng, vừa kéo dài thời hạn, vừa phát sinh thủ tục tố tụng.

Về các hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về 4 loại hình phạt, đồng thời UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng nội dung quy định của từng loại hình phạt nêu trên để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý NCTN phạm tội.

Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và thấy quy định như Điều 103 BLHS 2015 về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng.

Tuy nhiên, về mức tổng hợp hình phạt chung đề xuất chỉnh lý theo hướng không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm. Trên cơ sở đó, đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt như khoản 2 và khoản 3 Điều 117 dự thảo Luật.

Về tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật phải tách vụ án có NCTN phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.