Đề xuất đưa luật giao thông vào trường học

ANTĐ - Chiều nay, 29-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Bên cạnh đánh giá tình hình, các ĐBQH cũng đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Lo ngại tội phạm trẻ hóa

ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) đánh giá, năm 2013, công tác tấn công tội phạm đã thu được những thành tích đáng kể. Nhiều loại tội phạm đã giảm. Đánh giá tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói: “Ngành công an đang căng mình ra phòng, chống tội phạm. Chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất lớn của các đồng chí, trong điều kiện đời sống rất khó khăn, nhiều anh em rất gian khổ nhưng vẫn căng mình ra giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...” ĐB Nguyễn Đình Quyền đánh giá một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... có thành tích rất tốt trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Ông nói: “Tôi đi giám sát nhiều địa phương thấy, CATP Hà Nội phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất hiệu quả. Tôi đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, biểu dương, khen ngợi kịp thời các điển hình tốt như thế để công tác chung tốt hơn...”

Đồng tình với nhận định của các ĐBQH, ĐB Đỗ Kim Tuyến, Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm - Bộ Công an nói: “Trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, chúng ta đã kiềm chế được tội phạm, không để các loại tội phạm lộng hành, đặc biệt giải quyết khá tốt tình hình các băng nhóm tội phạm. Hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm tăng lên, đạt kết quả cao. Việc chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân đã được quan tâm. Đội ngũ cán bộ các ngành chuyên trách trong phòng chống tội phạm đã được củng cố một bước trong tiến trình cải cách tư pháp.”

Từng đi giám sát tại nhiều trại giam, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) day dứt với tình trạng tội phạm đang trẻ hóa. ĐB Nguyễn Sơn (Hà Nội) cũng chung mối lo về tội phạm trẻ hóa. Ông cho rằng, cần tìm hiểu sâu, làm rõ nguyên nhân của tình trạng này để đưa ra giải pháp hiệu quả. “Trong tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua, thái độ của giới trẻ rất đang trân trọng. Tôi nghĩ, từ những hình ảnh như thế, chúng ta cần nhân lên lòng yêu nước, lý tưởng tốt đẹp cho giới trẻ...”

ĐB Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 29-10

Cần nâng cao chế tài xử lý vi phạm giao thông

Phát biểu tại phiên họp tổ, ĐB Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, báo cáo của Ủy ban Tư pháp có nêu, còn số lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ trôi nổi ngoài xã hội. ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết, trước năm 2005, Nhà nước có cho phép một bộ phận người dân sử dụng súng săn 2 nòng. Sau đó, Nhà nước không cấp phép cho sử dụng nữa nhưng số súng này vẫn thuộc sở hữu của người dân. Riêng trên địa bàn Hà Nội hiện còn xấp xỉ 1.700 khẩu, còn tính chung các tỉnh phía Bắc còn trên 50.000 khẩu súng săn hai nòng. Để xử lý vấn đề này, ĐB Nguyễn Đức Chung kiến nghị, Nhà nước nên bỏ ra khoản tiền mua lại với giá thấp hoặc hỗ trợ người dân một phần để thu hồi lại tất cả số súng này. ĐB Nguyễn Đức Chung nói: “Làm như vậy sẽ có sự đồng thuận của người dân, đồng thời, phòng ngừa việc những khẩu súng này rơi vào tay đối tượng xấu.

Xung quanh vấn đề tai nạn giao thông, ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích, tại Hà Nội, thống kê cho thấy, gần 70% số vụ tai nạn xảy ra ở các huyện ngoại thành. Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng tai nạn giao thông vẫn tăng, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, các chế tài xử lý hiện hành đối với người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông chưa đủ mạnh. Ông dẫn chứng: “Ủy ban Tư pháp có tham khảo pháp luật về xử lý hành chính người vi phạm giao thông đường bộ của Ucraina và Nga. Tại Nga, nếu lái xe uống rượu bị phạt 2.000 USD và phạt lao động công ích 15 ngày, thu giấy phép lái xe 6 tháng. Trường hợp vi phạm đến lần thứ hai, lập tức bị thu giấy phép lái xe vĩnh viễn. Tôi cũng có nghe một người Việt Nam ở Cộng hòa Séc kể, có trường hợp, một người buổi tối lái xe về gara và bị nôn do say, hàng xóm phát hiện báo cảnh sát. Sau đó, người này bị thu giấy phép lái xe 2 năm, phạt tiền 5.000 Euro... Sau đó, muốn được cấp giấy phép lái xe, phải đi học lại. Chế tài của họ rất mạnh khiến người dân không dám vi phạm. So với các nước này, chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh. Vừa rồi, ở ta, có trường hợp 1 tháng vi phạm hành chính tới gần 1.000 lần. Trường hợp này đáng ra phải có chế tài cấm hành nghề vĩnh viễn.”

Tiếp tục làm rõ nguyên nhân khiến tai nạn giao thông chưa thể giảm, ĐB Nguyễn Đức Chung đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông dù có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu. Ông nói: “CATP Hà Nội có đến 500 đồng chí làm công tác phổ biến về Luật giao thông đường bộ, dù rất tích cực nhưng 1 năm cũng chỉ được trên 100.000 người. Vừa qua, được phép của Thành ủy, Bộ Công an và Ủy ban ATGT quốc gia, Hà Nội cũng đã triển khai một số loa công cộng, tuyên truyền phổ biến những nội dung cơ bản của Luật giao thông đường bộ. Nhưng để hiệu quả hơn, tôi đề xuất Chính phủ cần đưa Luật giao thông đường bộ vào dạy trong trường học, ngay từ bậc học THPT. Như vậy, ý thức của người tham gia giao thông mới dần được nâng lên, ngay từ khi tốt nghiệp THPT.”

ĐB Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị tăng biên chế cho các lực lượng làm nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực giao thông. ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích: “TP Bắc Kinh (Trung Quốc) có 13 triệu dân với 6,5 triệu ô tô, 200 nghìn xe máy, có lực lượng cảnh sát giao thông là 9.800 người. Trong khi đó, tính cả thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông, Hà Nội chỉ có 1.500 người. Đây là bất cập, do đó, việc tăng cường và tiếp tục rèn luyện để lực lượng này chuyên nghiệp hơn là cần thiết.”

Đề cập vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội, ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 người có tiền án, tiền sự. Con số này dự báo còn tiếp tục tăng lên theo từng năm và đang trẻ hóa. ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết, những người này rất khó khăn trong quá trình xin việc làm bình thường tại các doanh nghiệp chứ chưa nói đến vào cơ quan Nhà nước. Có thể nói, con đường thành công chức với họ gần như chấm dứt... ĐB Nguyễn Đức Chung nói: “Ở làng bản, thôn xóm, cũng có sự phân biệt đối xử, kỳ thị nhất định. Nếu chúng ta đẩy họ sang một bên, thành ra cuối cùng họ lại tìm đến con đường phạm tội. Chúng ta cần có cái nhìn khác hơn về người phạm tội. Chúng ta cần cơ chế để thay đổi điều này. Về nguyên tắc, anh phạm tội và đã bị xử lý, trả giá cho hành vi của mình rồi, thì các cơ quan, đơn vị có thể sử dụng con người đó nếu họ có kiến thức, kỹ năng.”