Đề xuất đổi tên UBND thành Ủy ban Hành chính

ANTĐ - TP Đà Nẵng vừa đề nghị thay tên gọi UBND các cấp thành Ủy ban Hành chính (UBHC). Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Thang Văn Phúc đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh đề xuất này.

- Ông bình luận gì về đề xuất đổi tên UBND các cấp thành UBHC và xác lập chức danh Thị trưởng tại TP trực thuộc Trung ương?

- Ý tưởng này đã được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất nhưng hiện việc này vẫn đang được các bộ, ngành và Trung ương bàn. Tuy nhiên, việc Đà Nẵng đề xuất làm sớm là điều tốt và nếu được thực hiện sớm sẽ có điều kiện rút ra kinh nghiệm để nhân rộng. Thực tế mô hình UBHC của chính quyền đô thị đã có ở nước ta trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1959. Còn về chức danh thị trưởng thì cũng chỉ là tên gọi khác, thay vì là Chủ tịch UBND. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn còn mô hình HĐND ở cấp tỉnh, thành phố; phía dưới là thành phố, thị xã thuộc tỉnh; thị trấn, xã vẫn còn HĐND nên chức danh thị trưởng có lẽ chưa thể có sớm được.

- Mô hình UBHC đã được bộ, ngành nào chính thức đề nghị chưa, thưa ông?

- Đề xuất này mới chỉ dừng lại ở các hội thảo và một số chuyên gia nghiên cứu từ nhiều năm nay mà chưa được cụ thể hóa trong các văn bản của Nhà nước. Việc này vẫn đang được cân nhắc vì đang tồn tại 2 luồng ý kiến ủng hộ và chưa ủng hộ. Đề xuất của Đà Nẵng là rất mạnh dạn và có lẽ đã hiểu rõ nhiều vướng mắc trong chính quyền đô thị hiện nay.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình này?

- Về phương diện quản lý đô thị, mô hình này rất khoa học và được nhiều nước áp dụng. Các nước khác chúng ta một chút, khi gọi là tỉnh trưởng, thị trưởng thay vì Chủ tịch UBHC. Điều đặc biệt là với mô hình người đứng đầu sẽ có bộ máy hành chính mạnh giúp việc, gồm các chuyên gia được lựa chọn nghiêm túc trên tinh thần hiệu quả công việc làm trọng. Người đứng đầu UBHC phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước nhân dân về sự phát triển của địa phương nên phải quyết đoán, mau lẹ và chịu áp lực phải đưa ra những giải pháp đúng hơn trong điều hành. Đặc biệt, với cơ chế này, sẽ tạo điều kiện lựa chọn được người tài giỏi và mới là mảnh đất để “văn hóa từ chức” hiện hữu. Còn trách nhiệm tập thể thì rất khó buộc được ai từ chức.

- Với mô hình này, việc giám sát chính quyền có thể được đảm bảo không, thưa ông?

- Hiện nay, vẫn còn giám sát của HĐND cấp tỉnh nên chưa nảy sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình UBHC thì cũng không đáng ngại vì sẽ đồng thời tăng cường hoạt động giám sát chính quyền đô thị từ chính người dân. Ở các nước không có HĐND, chính quyền đô thị sẽ hoạt động theo hướng tự quản, tự quyết và có quyền đưa ra quyết định. Ở Việt Nam khác một chút so với các nước vì có tính đặc thù và vẫn còn mô hình HĐND.

- 3 năm thí điểm mô hình không có HĐND quận, huyện, phường cho thấy, đã có thể xây dựng mô hình UBHC?

- Đúng như vậy. Song để áp dụng được mô hình như Đà Nẵng đề xuất thì phải sửa đổi Hiến pháp, sau đó phải sửa các luật liên quan. Trước khi sửa đổi, phải trưng cầu dân ý để có được phương án phù hợp nhất. Theo tôi, trong điều kiện tổ chức lại chính quyền đô thị và bỏ HĐND cấp quận, huyện thì UBHC là mô hình tốt để thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, tăng quyền cho người đứng đầu chính quyền đô thị để thực thi công vụ có hiệu lực và hiệu quả hơn.