Đề xuất điều kiện cấp phép đưa người lao động đi làm việc nước ngoài

ANTD.VN - Trong dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm duy trì các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự kiến, luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và thông qua vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020).

Theo dự thảo luật, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm duy trì các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.

Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp dịch vụ phải có đủ các điều kiện sau: Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng trở lên, thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỉ đồng; Đã thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng tại ngân hàng thương mại;

Có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp.

Tiền ký quỹ 2 tỉ đồng của doanh nghiệp dịch vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động hoặc người sử dụng lao động nước ngoài về việc thu tiền dịch vụ một lần hoặc nhiều lần trong thời gian làm việc của người lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ Tài chính quy định mức trần phí dịch vụ thu của người lao động.

Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định người lao động được thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc ký quỹ để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, người lao động nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của người lao động.

Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng, tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại của doanh nghiệp dịch vụ phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp, nếu tiền ký quỹ của người lao động không đủ bù đắp thiệt hại thì người lao động phải nộp bổ sung.