Đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Người nghèo cũng khóc!

ANTD.VN -Trước đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, điều này không chỉ không giải quyết được vấn đề phân hóa giàu nghèo mà còn không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Trong Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đang xây dựng đưa ra 2 phương án đánh thuế đối với nhà ở: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

“Theo quan điểm của tôi, đề xuất trên không hợp lý đối với cả 2 phương án. Bởi, với một người dân bình thường, để sở hữu một căn nhà hoặc đất trị giá từ 800 triệu – 1 tỷ đồng là điều không đơn giản, phải tích lũy trong nhiều năm trời và vay ngân hàng với mức lãi suất khá cao. Ngoài ra, để hình thành được một căn nhà, chủ sở hữu đã phải đóng các loại thuế khác nhau như thuế nguyên vật liệu xây dựng, thuế về quyền sử dụng đất” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc đánh thuế này nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước chứ không có tác dụng làm giảm sự phân hóa giàu nghèo hay cải thiện an sinh xã hội. Vì nếu quy định như vậy thì ngay cả người có thu nhập thấp và trung bình cũng phải chịu thuế, nghĩa là “người nghèo cũng khóc”, trái với nguyên tắc chỉ thu thuế với người có thu nhập cao. Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới, chính phủ chỉ đánh thuế từ căn nhà thứ hai hoặc thứ ba trở đi. Mặt khác, điều này dễ dẫn đến tình trạng lách luật, đứng tên ảo các “bất động sản”.

Theo pháp luật hiện hành, người có thu nhập ở một mức độ nhất định phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác. Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Khi chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng nhà đất cho người khác họ lại phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Nghĩa là, họ đã phải chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định, có lẽ khi xây dựng các phương án trên, cơ quan soạn thảo thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn. Bởi nếu đề xuất này được thông qua sẽ làm phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà, không phù hợp với tinh thần mọi người dân đều có quyền có nơi ở của Hiến pháp.

Về cơ sở pháp lý của mức 700 triệu đồng, quy định hiện hành liên quan đến hạn mức này chưa có. Nếu mặc nhiên thu thuế với nhà đất trên 700 triệu đồng sẽ dẫn đến thuế chồng thuế, gây thiệt thòi cho người dân. Hơn nữa, nhiều nhà, đất hiện chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Việc quản lý biến động cũng còn nhiều bất cập, cơ sở dữ liệu không cập nhật đầy đủ, thiếu đồng bộ. Trong trường hợp này, nếu Nhà nước vẫn thu thuế đối với nhà đất không có giấy chứng nhận, không có giấy phép xây dựng thì khác nào hợp pháp hóa cho vi phạm?

Mặt khác, các quy định về định giá hiện nay vẫn chưa thống nhất. Nếu thu trên giá nhà nước quy định thì không tiếp cận đúng bản chất của luật này. Nếu định giá theo  thị trường thì ngành tài chính khó có thể triển khai đồng loạt. Hơn nữa, nếu thuế này được thông qua thì Nhà nước cần xem xét lại việc có tiếp tục thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở nữa hay không do một tài sản không thể đồng thời chịu hai khoản thuế.

Mặc dù việc thu thuế nhà đã được nhiều nước phát triển áp dụng. Song trước khi triển khai đồng loạt, các nước này đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của công dân và một loạt các chế định liên quan nhằm đảm bảo hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật nhanh chóng nhất. Do vậy, để đề xuất đánh thuế nhà cùng các quy định khác trong Luật Thuế tài sản có tính khả thi, các nội dung trong luật này phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và nguyện vọng của đại đa số người dân, nếu không sẽ phát sinh việc lách luật, trốn thuế và các hệ lụy xã hội phức tạp khác.