Đề xuất chế tài tước bằng lái xe vĩnh viễn với vi phạm giao thông đặc biệt nguy hiểm

ANTD.VN - Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2016 với mức phạt  tối đa lên tới 40 triệu đồng. Tuy vậy, lực lượng thực thi công vụ vẫn cho rằng, nhiều quy định tại Nghị định này gây khó khăn cho lực lượng thực thi cũng như dễ dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại.

Vi phạm đặc biệt nguy hiểm có thể tước bằng vĩnh viễn

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ) cho biết, do Nghị định 46/CP đã bộc lộ một số bất cập, nên cần thiết phải sửa đổi.

Ví dụ như, cần tăng mức phạt tối đa với người vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên tối đa 80 triệu đồng (tăng gấp đôi mức hiện hành 40 triệu đồng).

Đồng thời, tăng thời gian tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX-thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay) và có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn với một số vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm để tăng tính răn đe; đơn giản hoá quy định tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe để ngăn chặn các hành vi có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Tổng cục Đường bộ kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng đề xuất tăng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc, vi phạm nồng độ cồn, chất gây nghiện… để tăng sức răn đe.

Theo tổng hợp báo cáo từ các lực lượng, trong 2 năm thực hiện Nghị định 46/CP, lực lượng Thanh tra GTVT đã thực hiện 15.250 cuộc thanh tra; 198.540 cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện 246.144 vụ vi phạm, xử phạt số tiền hơn 513,6 tỷ đồng, tạm giữ 1.420 ô tô.

Lực lượng Công an đã xử lý hơn 7,87 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4.618 tỷ đồng; tước hơn 589.738 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 939.116 phương tiện. Trong lĩnh vực đường sắt, đã xử phạt hơn 2.928 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vi phạm trên đường cao tốc đang gia tăng, đặc biệt tình trạng lùi xe, đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn (đã có vụ việc bị khởi tố).

Thêm vào đó, tình trạng sử dụng rượu bia, ma tuý khi điều khiển phương tiện tăng cao thời gian qua, liên quan tới một số vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra.

Ngoài ra, chưa có cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm nên rất khó xác định trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xử phạt tăng nặng…

Luật không thống nhất dễ dẫn đến khiếu kiện

Góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 46, ông  Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, nếu chỉ sửa đổi Nghị định 46/CP mà không sửa đổi các Luật, Nghị định khác liên quan thì khó hiệu quả.

“Hơn nữa, giữa các cơ quan chức năng Nhà nước, hiện chưa xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm hành chính nên rất khó xác định đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xem xét tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm do đó tính răn đe không cao...”- ông Minh đề xuất.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thì cho rằng, một số quy định xử phạt hiện nay còn chưa rõ, gây khó khăn cho lực lượng thực thi, dễ dẫn đến khiếu nại, khiến kiện.

Theo đó, vị này lấy dẫn chứng, Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định, khi xử phạt vi phạm phải có ít nhất 2 người làm chứng, nhưng nếu CSGT xử phạt vào buổi tối thì lấy đâu người làm chứng; rồi quy định xử phạt xe không chính chủ; xử phạt mũ bảo hiểm “rởm” khi tham gia giao thông…

Liên quan đến việc xử phạt chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải có liên đới cũng được lực lượng thực thi công vụ nhiều địa phương cho rằng, Nghị định 46/CP còn chưa quy định rõ nên rất khó xử phạt.

Cụ thể như, khi lái xe vi phạm lập biên bản xử phạt, dù Nghị định 46/CP quy định chỉ cần lái xe ký biên bản nhưng lại chưa đủ so với quy định tại Luật xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, nhiều chủ xe, doanh nghiệp đã kiện ngược lại lực lượng thực thi công vụ. Do vậy, cần sửa đổi lại để tránh trường hợp khiếu kiện, khiếu nại do quy định không đồng nhất...