Đề xuất chế độ chính ủy trong Công an nhân dân

ANTĐ - Ngày 6-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi. 

Đề xuất chế độ chính ủy trong Công an nhân dân ảnh 1ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại hội trường

Phong tướng để tăng sức mạnh quân đội

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật     sỹ quan Quân đội nhân dân  Việt Nam của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, cả 3 vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều được đề nghị có trần quân hàm Đại tướng. Báo cáo chỉ rõ, dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng là kế thừa Luật sỹ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sỹ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn chức danh Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm, nên đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. 

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội quy định Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TP.HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Đại tá. Tuy nhiên qua thảo luận, đa số ĐBQH cho rằng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trực thuộc Bộ Quốc phòng nên trần quân hàm của Tư lệnh là Trung tướng là hợp lý. Còn đối với Bộ Tư lệnh TP.HCM trực thuộc Quân khu 7, trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp với thực tế. Báo cáo thêm trước Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng đồng ý với phương án đề xuất như phân tích trên.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng góp ý, cần phải xác định phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, tăng sức mạnh quân đội, chứ không nên phong tướng để giải quyết chế độ chính sách. 

Nên tăng độ tuổi cho nữ cán bộ

Bàn về dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi, ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cho rằng, dự thảo hiện không đề cập đến hạn tuổi của nữ sĩ quan giữ các chức vụ từ Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên là thiếu sót. Theo ĐB Nguyễn Văn Minh, trong một số ngành như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… rất cần những cán bộ tích lũy kinh nghiệm sâu về nghiệp vụ. Do đó, việc kéo dài độ tuổi cho các cán bộ công tác trong ngành rất cần thiết để không lãng phí nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công tác chuyên môn, nghiệp vụ và lãnh đạo, quản lý. Do đó, đối với nữ sỹ quan đang giữ các chức vụ từ Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên thì hạn tuổi phục vụ phải cao hơn độ tuổi quy định.

Tại 2 thành phố lớn (TP.HCM và Hà Nội), việc phong hàm đến cấp Trung tướng là hợp lý vì đây là 2 thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả nước, là trung tâm văn hóa, chính trị. Tuy nhiên, cũng tại 2 thành phố này, nếu chỉ phong hàm Đại tá cho Trưởng Công an quận, còn cấp huyện chỉ phong Thượng tá là chưa thỏa đáng.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị bổ sung chế độ chính ủy, chính trị viên trong lực lượng CAND. Bởi đối với lực lượng vũ trang, công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng Công an luôn gắn quan hệ với nhân dân, lực lượng này cũng là nơi nhân dân gửi gắm niềm tin. Người dân hễ có chuyện gì không giải quyết được thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là gọi Công an và luôn cho rằng, mọi quyết định, cách xử lý vấn đề của Công an chính là công lý. Trước đòi hỏi đó, việc bổ sung nguyên tắc chính ủy, chính trị viên là rất cần thiết để mọi chiến sỹ luôn được giáo dục, trau dồi, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

Về độ tuổi phục vụ trong lực lượng CAND hiện nay, nên nâng nữ cán bộ có hàm Đại tá lên 58 tuổi. Với cấp Tướng,  cán bộ nữ nên nâng lên 60 tuổi vì các vị nữ tướng đều phải là những người vô cùng dũng cảm và trí tuệ, có bề dày kinh nghiệm, là tài sản quý của quốc gia.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Không để cán bộ hợp đồng thiệt thòi

“Những trường hợp tốt nghiệp đại học ngành ngoài, làm việc theo hợp đồng dài hạn với ngành công an thường xuyên, liên tục từ 10 năm trở lên, khi được xét tuyển vào biên chế, họ cũng đã có quá trình tôi luyện, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, tác phong, tư tưởng của người chiến sỹ CAND và có bề dày kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm. Do vậy, khi được xét tuyển vào ngành Công an, để họ ở mức khởi điểm như quy định hiện hành là cấp bậc Trung úy, với điều kiện đã có 4 năm đóng bảo hiểm liên tục trong thời gian làm hợp đồng, xét về tình thì quá thiệt thòi cho họ. Nên có cơ chế sắp xếp cán bộ ngành ngoài, khi được tuyển chọn vào ngành Công an thì điều chỉnh cấp bậc theo niên hạn, phù hợp với số năm cống hiến trong thời gian là nhân viên hợp đồng. Bởi lẽ, ngoài tấm bằng đại học với ngần ấy năm làm hợp đồng trong lực lượng CAND, cũng có thể coi là một “trường đại học” thứ hai rèn rũa họ trưởng thành, đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Công an giao phó”.