Đề xuất cắt lương hưu vĩnh viễn với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu có sai phạm lúc còn đương chức

ANTD.VN - "Kỷ luật thì phải kỷ luật cái hiện hữu họ đang có, giảm hoặc truất lương vĩnh viễn, "đánh" thẳng vào lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của người bị kỷ luật", đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển đề xuất khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, ngày 24-10.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng)

Bàn về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho rằng quy định hình thức xử lý là xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm là chưa hợp lý. 

Ông Hiển chỉ ra 3 điểm bất hợp lý. Thứ nhất, rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ bởi trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có chỗ nào dùng từ khái niệm này.

Thứ hai, quy định hình thức xử lý kỷ luật trên không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đương chức. 

Thứ ba, theo quy định trên sẽ tạo nên sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý, về xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, những văn bản quyết định của người này ký có còn hiệu lực pháp lý hay không. 

Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, ông Hiển cho biết tại Đức, các công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật về những vi phạm công vụ của mình lúc đương chức. 

“Hình thức kỷ luật là giảm lương và truất lương hưu vĩnh viễn, nhưng hệ quả pháp lý là người bị kỷ luật không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên Bộ trưởng hoặc nguyên Thứ trưởng. Tôi thấy cách quy định này rất logic về mặt pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, tức là hình thức kỷ luật thì phải kỷ luật cái hiện hữu họ đang có, giảm hoặc truất lương vĩnh viễn. Hệ quả của nó tác động đến cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của người bị kỷ luật, bao gồm tiền lương hưu và các chức danh, chức vụ đã có trước khi nghỉ hưu”, ông Hiển nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề nghị dự thảo không nên quy định hình thức xử lý kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm mà thay vào đó là hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách hiện đang được hưởng bao gồm cả lương hưu, các danh hiệu, huân, huy chương, các danh xưng như nguyên Bộ trưởng, nguyên Thứ trưởng... 

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng việc đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém trong thực tiễn thời gian qua còn rất hạn chế, nhiều báo cáo đều nhận định một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực và phẩm chất yếu kém. Trong khi thực tế số lượng cán bộ, công chức 2 năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ rất ít.

Hình thức kỷ luật “buộc thôi việc” chỉ áp dụng đối với 5 hành vi vi phạm, rất khó để đưa cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy Nhà nước.

"Cần rà soát, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về vấn đề trên để việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo được cơ sở pháp lý đào thải những cán bộ, công chức yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước", ông Gia kiến nghị.

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nếu cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ phải chịu một trong những hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm) gắn với hệ quả pháp lý tương ứng.

Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách chức vụ” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng.