Đề xuất bố trí trại tạm giam riêng cho người chưa thành niên phạm tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 'Việc người chưa thành niên được giam giữ trong trại tạm giam riêng phù hợp với tâm sinh lý của họ, hạn chế tác động tiêu cực của việc giam giữ chung với phạm nhân là người lớn’…

Người chưa thành niên giam giữ ở trại tạm giam riêng là phù hợp?

Cho ý kiến về các biện pháp xử lý chuyển hướng theo điều 36 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng, đồng thời quy định rõ các trường hợp sẽ khắc phục khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

Về rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử với NCTN và tách vụ án hình sự, theo đại biểu Hà, đây là 2 vấn đề có quan hệ mật thiết và liên quan với nhau. Do vậy, việc dự thảo Luật quy định rút ngắn thời hạn tố tụng với NCTN bằng 1/2 người lớn là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN".

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) thảo luận

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) thảo luận

Về hình phạt áp dụng với NCTN, đại biểu đồng tình với việc dự thảo Luật mở rộng áp dụng hình phạt cảnh cáo với người từ 16-18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ.

Đặc biệt, về quy định NCTN được giam giữ trong trại tạm giam riêng, theo đại biểu Hà, việc này phù hợp với tâm sinh lý NCTN. Đặc biệt, đảm bảo tối đa quyền được học tập, hạn chế tác động tiêu cực của việc giam giữ chung với phạm nhân là người lớn.

"Triển khai quy định này có thể phát sinh kinh phí đầu tư ban đầu, nhưng mang lại hiệu quả lâu dài cho NCTN là rất lớn. Về lâu dài sẽ tiết kiệm kinh phí so với việc các trại giam trên toàn quốc phải bố trí phòng giam riêng cho NCTN, cũng như gây khó khăn trong việc dạy nghề... "- đại biểu Hà nêu quan điểm.

Luật pháp không đặt nặng câu chuyện tiền bạc

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu về Dự án Luật Tư pháp NCTN, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đề nghị mở rộng độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ 12-14 tuổi.

Tuy nhiên Chánh án thông tin, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người dưới 14 tuổi phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, độ tuổi được tính toán theo nguyên tắc có lợi nhất cho NCTN.

Về điều kiện áp dụng, dự thảo Luật quy định điều kiện "phải tự nguyện". Mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình

Theo Chánh án TAND Tối cao, điều kiện tự nguyện là bắt buộc, còn nếu các cháu đứng trước 2 lựa chọn khi đã bị tình nghi phạm tội, hoặc đồng ý chuyển hướng, hoặc đồng ý điều tra, truy tố, xét xử.

Tương tự như vậy, về quy định hình phạt tiền, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, luật pháp không đặt nặng câu chuyện tiền bạc.

"Đối với các cháu có thừa kế, tài sản, việc đồng ý nộp tiền chính là việc thành tâm khắc phục hậu quả. Đây là điều chúng ta cần, chứ không nặng nề phải là 50 hay 100% số tiền khắc phục. Các cháu tự nguyện khắc phục và nộp tiền vi phạm đã thể hiện trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm".

Về quy định cấm đến địa điểm có nguy cơ tiếp xúc với người phạm tội mới, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ sẽ cấm như thế nào, theo khung giờ ra sao?

Chánh án TAND Tối cao cho biết, việc cấm này sẽ phụ thuộc vào vi phạm của NCTN. "Nếu các cháu hay ăn cắp ở siêu thị, sẽ cấm đến siêu thị. Nếu xâm hại tình dục trẻ em thì cấm đến nơi tập trung trẻ em. Vi phạm về ma túy sẽ cấm đến các địa điểm phức tạp về ma túy…Điều này phụ thuộc vào hành vi của NCTN"

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, luật hiện hành đang giao cho 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Ban soạn đang thiết kế 2 phương án xin ý kiến Quốc hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc khuyến cáo áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng theo hướng nhẹ nhàng và nếu không bị ra Tòa thì phân chia theo giai đoạn tố tụng. Ví dụ khi cần bồi thường, xin lỗi, chỉ cần ý kiến của cơ quan điều tra, không cần thiết phải ra Tòa và chờ vụ án kết thúc.

Ban soạn thảo cũng thống nhất ý kiến như khuyến cáo trên về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Liên quan đến những ý kiến về việc tách vụ án, Chánh án chỉ rõ, nếu không tách án sẽ vi phạm một loạt nguyên tắc nhân văn đã quy định trong dự thảo Luật như thời gian tố tụng NCTN chỉ bằng 1/2 người lớn; điều tra, truy tố, xét xử trong môi trường thân thiện…