Đề xuất bổ sung quy định hoàn trả tiền ký quỹ với lao động EPS

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra kiến nghị kéo dài thời gian thí điểm với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc thêm 2 năm.

Việc ký quỹ nhằm nâng cao trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc tại Hàn Quốc

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thống kê hiện Việt Nam có 26.049 người lao động thực hiện ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc với tổng số tiền 2.604,9 tỷ đồng.

Việc ký quỹ nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lao động khi tham gia chương trình, giảm tình trạng lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số quy định về ký quỹ đã bộc lộ hạn chế cần phải sửa đổi.

Cụ thể, thông thường người lao động đi làm việc theo Chương trình EPS cư trú, làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E-9. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc, nhiều lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp để chuyển đổi công việc hoặc chuyển đổi mục đích cư trú và được cơ quan chức năng nước sở tại chấp thuận.

Ví dụ, một số lao động chuyển sang thị thực dành cho lao động làm công việc kỹ thuật, lành nghề, thị thực F-2 (dành cho lao động kỹ thuật cao), thị thực F-6 (dành cho người kết hôn với người mang quốc tịch Hàn Quốc). Những lao động này sau khi đổi thị thực được cư trú dài hạn tại Hàn Quốc. 

Sau khi chuyển đổi mục đích lưu trú, người lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động ký với người sử dụng lao động Hàn Quốc theo Chương trình EPS và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định số 1465/QĐ-TTg. Tuy nhiên, việc hoàn trả tiền ký quỹ cho đối tượng này chưa được quy định tại Quyết định số 1465/QĐ-TTg. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến nay có 272 lao động chuyển đổi mục đích lưu trú đề nghị được rút tiền ký quỹ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về xử lý khoản tiền ký quỹ đối với lao động đã chấm dứt hợp đồng theo Chương trình EPS do chuyển đổi thị thực làm việc và mục đích lưu trú theo hướng hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động sau khi trừ các chi phí phát sinh hợp lý (nếu có).

Bên cạnh đó, từ tháng 9-2018 đến hết năm 2020 có 10.462 lao động hết hạn hợp đồng 4 năm 10 tháng phải về nước, chiếm 45,44% số lao động ký quỹ (23.019 người). Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm 2 năm để có thêm thời gian và thông tin, số liệu về việc ký quỹ của người lao động để đánh giá đúng, đầy đủ hiệu quả của chính sách này.