Đề xuất bỏ chính sách xác nhận bệnh binh trong thời bình

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo đánh giá tác động bổ sung của chính sách trong dự án Pháp lệnh người có công với cách mạng (sửa đổi).

Tổ chức khám và chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng

Theo đó, cơ quan này cho biết, Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có quy định về việc xác nhận bệnh binh bao gồm bệnh binh trong thời chiến và bệnh binh trong thời bình.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, quy định về việc xác nhận bệnh binh trong thời bình đã bộc lộc một số bất cập sau:

Thứ nhất, diện đối tượng này chỉ áp dụng đối với những người thuộc lực lượng quân đội, công an. Bệnh binh có khởi điểm từ "chế độ trợ cấp dài hạn cho những quân nhân tình nguyện được phục viên vì ốm yếu mà không có khả năng lao động" theo Nghị định số 500-NĐ/LB của liên Bộ Cứu tế xã hội - Tài chính - Quốc phòng và "chế độ trợ cấp dài hạn cho quân nhân tình nguyện đã phục viên từ ngày hòa bình lặp lại đến nay bị bệnh kinh niên tái phát ốm, yếu không còn khả năng lao động theo Nghị định số 523-TTg, Nghị định số 161 - CP bắt đầu sử dụng cụm từ "mất sức lao động" (hay còn gọi là mất sức quân đội), đến Quyết định số 78/CP của Hội đồng Chính phủ gọi diện đối tượng này là bệnh binh.

Như vậy, việc đặt ra chế độ bệnh binh trước đây nhằm giải quyết chế độ cho các đối tượng chủ yếu thuộc lực lượng quân đội có thời gian tham gia kháng chiến mà bị đau yếu, không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác (khi đó không gọi là người có công với cách mạng).

Thứ hai, trong giai đoạn hiện nay nếu có thời gian công tác trong quân đội, công an đủ 15 năm mà mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được xác định là bệnh binh. Theo đó, cùng một người làm công tác hành chính, nếu không thuộc lực lượng quân đội, công an mà đủ năm công tác thì nghỉ hưu; nếu bị bệnh, tật phải nghỉ sớm mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì hưởng trợ cấp một lần. Còn nếu làm trong quân đội, công an mà mắc bệnh, tật phải nghỉ sớm thì lại được xác nhận là bệnh binh, tức là người có công với cách mạng.

Hơn nữa, cùng làm trong lực lượng quân đội, công an một người công tác 30-40 năm (cống hiến nhiều hơn) sau khi về nghỉ thì chỉ là cán bộ hưu trí; nhưng người khác chỉ công tác được 15 năm (tức là cống hiến ít hơn) mà mắc bệnh phải nghỉ thì tự nhiên trở thành người có công với cách mạng. Như vậy, việc quy định đối với bệnh binh trong thời bình là bất hợp lý, không đảm bảo cân đối trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội nói chung.

Để đảm bảo công bằng, ý nghĩa của danh hiệu người có công với cách mạng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất không xác nhận bệnh binh trong thời bình. Chỉ xác nhận đối với các trường hợp có thời gian tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đối với người đã được xác nhận là bệnh binh từ trước đây thì tiếp tục hưởng chế độ.