Đề xuất áp trần lãi suất

ANTĐ - Theo thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2012 ngân hàng có thể tiếp tục áp trần lãi suất huy động và kể cả trần cho vay nếu thị trường còn biến động.

Các ngân hàng đề nghị nên áp dụng trần lãi suất cho vay để tránh gây nhiễu loạn


Nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm

Nhìn nhận về hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2011 tại buổi Hội nghị tổng kết toàn ngành, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, điểm sáng nhất của năm 2011 là nếu giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân 33,5%/năm mới đảm bảo GDP ở mức 7-7,5%/năm thì năm 2011, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 12,5% nhưng GDP đã đạt được 6%. Bên cạnh đó, lạm phát được giữ ở mức 18% là có đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng.

Tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những cố gắng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách tiền tệ năm qua có nhiều điều cần rút kinh nghiệm, thực tế có những khó khăn nảy sinh do chính quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Quản lý nhà nước cũng có nhiều hạn chế yếu kém”.

Một vấn đề đáng chú ý trong hoạt động ngân hàng năm 2011 là việc vi phạm kỷ cương về trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động vượt qua mức trần 14%/năm gây rối loạn thị trường tiền tệ, đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất cho vay tăng cao.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết:  “Trong khi đưa ra nhiều chỉ đạo cứng rắn như siết trần lãi suất huy động, hạn chế tăng trưởng tín dụng, nhưng kỷ cương, kỷ luật thực hiện không nghiêm, khiến những cái không bình thường lại trở thành bình thường, cạnh tranh không lành mạnh và rủi ro cho toàn hệ thống”. Ông Hà cho biết thêm, vào thời điểm tháng 8, các ngân hàng lách trần nên BIDV bị rút mất hơn 17.000 tỷ đồng, thêm vào đó là tình trạng “cò” huy động vốn xuất hiện trong hệ thống đã ăn tiền của cả khách hàng và ngân hàng.

Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng: “Thanh tra NHNN, phải tăng cường thanh tra thường xuyên trần lãi suất 14%, vì hiện nay nhiều tổ chức tín dụng đã đẩy lãi suất huy động lên 16-16,5%/năm bằng những hình thức tinh vi”.


Chuyển từ trần huy động sang trần cho vay

Ông Trần Bắc Hà cho rằng, thời gian qua có tình trạng các ngân hàng cho vay lẫn nhau với lãi suất quá cao, có thời điểm lên tới 48-50%, trên thị trường vốn dân cư, các tổ chức kinh tế, lãi cho vay chia 3 nhóm từ

17-19%, từ 19-21% và trên 22%/năm. “Để hạn chế tình trạng trên nên tính đến việc đặt trần lãi suất cho vay” - ông Hà đề xuất.

Cùng quan điểm với Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phạm Huy Hùng đề nghị: “Trong trung hạn nên bỏ trần huy động để chuyển sang trần cho vay, như vậy không còn chuyện lách trần, chi cho khoản này, khoản kia gây nhiễu loạn hệ thống”.

Theo báo cáo về định hướng hoạt động năm 2012, NHNN khẳng định có thể áp trần lãi suất huy động và kể cả cho vay nếu thị trường vẫn còn biến động. Cùng với đó, NHNN cũng tính tới việc không còn cào bằng chỉ tiêu tín dụng cho tất cả các ngân hàng mà sẽ cấp chỉ tiêu cho từng ngân hàng theo tiêu chí ngân hàng nào hoạt động tốt được mức cao, ngân hàng yếu kém nhận mức thấp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh phải cơ cấu lại để làm nòng cốt cho hệ thống. Năm 2012, NHNN cần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phải rà soát lại toàn bộ thể chế, hệ thống các quy định pháp luật, không để những sơ hở về thể chế dẫn tới yếu kém và mất thanh khoản của hệ thống.

Nhiệm vụ của cả nước năm 2012 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 10%, Chính phủ phấn đấu điều hành để giữ khoảng 9%. Vì vậy, ngành ngân hàng cũng phải tham gia kiểm soát lạm phát. Mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm tới được NHNN đề ra ở mức 15-17% nhưng Thủ tướng cho rằng con số hợp lý nên là 15%.

 “Tôi đề nghị ngành ngân hàng tập trung giảm lãi suất cho vay. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa lãi suất về mức hợp lý với lạm phát bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính” - Thủ tướng
chỉ đạo.