Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt  với mức thuế suất 10%.

Cụ thể, tại Dự thảo vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm đồ uống hương liệu (kể cả nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác), nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc và không áp dụng đối với các sản phẩm: sữa và sản phẩm từ sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau, quả nguyên chất và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Bộ Tài chính cho rằng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý thận, tiết niệu, ảnh hưởng đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến hệ xương răng do tăng lượng đường nạp vào cơ thể nhiều hơn nhiều lần mức cần thiết.

Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra. Và theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.

Tỷ lệ sử dụng nước ngọt tại Việt Nam không ngừng gia tăng

Tỷ lệ sử dụng nước ngọt tại Việt Nam không ngừng gia tăng

Cùng với đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì đáng báo động ở trẻ em Việt Nam từ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% vào năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Đây là mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và cao hơn tỷ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và thu nhập trung bình của khu vực…

Trên thế giới, nhiều nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB: năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia, nhưng hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và đã mang lại hiệu quả cả về nhận thức và hành động từ phía người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất về việc giảm lượng đường trong nước giải khát cũng như giảm tiêu thụ nước giải khát có đường.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng “nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này.