Từ thành công của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp:

Để xử lý kịp thời những vướng mắc của cử tri

(ANTĐ) - Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô.

- Thưa ông, lần đầu tiên bầu cử 4 cấp trong cùng một ngày, Hà Nội đã rút ra những kinh nghiệm quý báu gì?

- Số lượng công việc Hà Nội đã thực hiện là rất đồ sộ, qua đó, TP đã có được nhiều bài học kinh nghiệm. Trước hết, cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất cũng như sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Tiếp đó, phải lựa chọn, bố trí người có đủ điều kiện để tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là nghiệp vụ hiệp thương, kiểm phiếu... Cùng với đó, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp nhận, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử. Đặc biệt, cần xử lý kịp thời các vướng mắc, bức xúc của nhân dân. Cuối cùng, phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện các thiếu sót, tồn tại để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng một vài điểm bỏ phiếu vẫn xảy ra thiếu sót?

- Có một số cơ sở chưa nắm chắc quy định pháp luật nên còn lúng túng trong thực hiện hiệp thương. Có đơn vị cơ sở còn buông lỏng quản lý, không xử lý kịp thời các vướng mắc của nhân dân, làm cho cử tri thiếu an tâm, ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Cụ thể, 2 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã có sai phạm đã phải hủy kết quả bầu cử. Các đơn vị này sau đó phải tổ chức bầu cử lại.

- Từ thực tế của cuộc bầu cử, Hà Nội có kiến nghị gì để hoàn thiện hơn nữa công tác tổ chức?

- Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung các Luật Bầu cử theo hướng quy định tiêu chuẩn người tự ứng cử chặt chẽ hơn. Người ứng cử khi nộp hồ sơ phải có bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ, đảm bảo cho việc biên tập tiểu sử được chính xác, không để xảy ra nhầm lẫn hay sự cố...


Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt - Nhật: Tìm giải pháp cho những gì bức xúc nhất

“Là ĐBQH khóa XIII, tôi sẽ tập trung tìm ra giải pháp xử lý những vấn đề bức xúc nhất hiện nay như bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp; nạn tắc đường, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính, chống tham nhũng, cửa quyền, tiêu cực. Với những vấn đề trên, không chỉ cử tri mà các doanh nghiệp cũng rất quan tâm. Chẳng hạn, liên quan tới cải cách hành chính, vài năm trở lại đây, thủ tục đã cải thiện nhiều, nhất là thuế, hải quan, cấp phép đầu tư... nhưng tiếng kêu vẫn còn. Thế nên, các ĐBQH cần tiếp tục lên tiếng về vấn đề này, tiếp tục tháo gỡ mớ bòng bong thủ tục, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Theo tôi, chỉ có tiếp tục cải cách mạnh mẽ mới có thể có môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Từ đó, sẽ tạo ra động lực và sự phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Cử tri Ngô Thị Miên, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm: Giảm gánh nặng giá cả cho người dân

“Tôi mong các vị đại biểu giữ vững lời hứa kiềm chế lạm phát, đồng thời điều chỉnh giá những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước một cách thận trọng, giảm gánh nặng giá cả cho người dân. Tôi cũng hy vọng môi trường sống của Hà Nội sẽ được bảo vệ và cải thiện tốt hơn, trong sạch hơn để từ đó giảm số lượng người mắc bệnh do môi trường bị ô nhiễm”.

Cử tri Đinh Sơn Tùng, phường Bưởi, quận Tây Hồ: Mong muốn an sinh xã hội  được đảm bảo

“Tôi mong muốn các chính sách an sinh xã hội sẽ được phát triển, hoàn thiện và mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục. Nhưng để làm được điều đó thì kinh tế phải được hỗ trợ, phát triển bền vững bằng các chính sách vĩ mô sáng suốt, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cởi mở cho doanh nghiệp quốc doanh cũng như tư nhân”.