Để vầng trăng sáng trong

(ANTĐ) - Tết trông trăng dành riêng cho trẻ em trên khắp mọi miền đất nước từ bao đời nay, giờ đang trở thành niềm háo hức không kém của người lớn.

Để vầng trăng sáng trong

(ANTĐ) - Tết trông trăng dành riêng cho trẻ em trên khắp mọi miền đất nước từ bao đời nay, giờ đang trở thành niềm háo hức không kém của người lớn.

Chỉ khoảng hơn chục năm nay, Tết Trung thu đã “biến tướng” thành lễ hội quà biếu ở các thành phố, đô thị. Con số này chẳng làm ai giật mình: 80% lượng bánh trung thu bán theo hợp đồng cho các công ty, cơ quan làm quà biếu. Chỉ có 20% bán lẻ ở cửa hàng cho người dân. Các loại bánh cao cấp dành để biếu, giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng, thậm chí có loại tới 4-5 triệu đồng/hộp.

Đương nhiên, các loại bánh bình dân, bánh “mậu dịch” truyền thống vẫn đông người mua. Đó mới là loại bánh trung thu đích thực cả vỏ lẫn ruột dành cho trẻ em. Các loại bánh rẻ tiền từ vỏ hộp tới ruột bánh vẫn là món quà mơ ước của hàng triệu trẻ em ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong những đợt tặng quà Trung thu cho trẻ em nghèo của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể. Bao đứa trẻ tròn mắt rưng rưng cầm trên tay chiếc bánh trung thu “gia công”.

Trong khi đó, ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị mấy năm gần đây, tình trạng ế ẩm, thừa mứa bánh trung thu cứ diễn đi diễn lại. Đến mức, có những mùa khuyến mãi “mua 1 biếu 2” mà không biết đổ đi đâu cho hết. Cũng tương tự, việc các công ty, doanh nghiệp cho ra lò các loại bánh “siêu cao cấp” chính là để đáp ứng nhu cầu biếu xén của xã hội. Chẳng ai có thể cấm đoán được! “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Mục đích tiêu dùng thể hiện quan hệ xã hội có giá trị với từng nhóm người tiêu dùng, nó chứng tỏ mình thuộc “đẳng cấp” nào.

Theo một cuộc điều tra xã hội học về xu hướng tiêu dùng trong mấy năm gần đây, cho thấy 56,1% chi phí cho quan hệ xã hội phản ánh ước vọng muốn tiến thân, lo lót lợi ích riêng tư, còn chi phí cho gia đình, con cái xếp ở vị trí thấp hơn nhiều. Cũng như các loại quà biếu ngày Tết Nguyên đán, hộp bánh càng “hoành tráng”, nhân bánh càng nhiều “cao lương mỹ vị” thì càng chứng tỏ “tấm lòng” của người biếu cũng như vị trí của người nhận biếu. Phó tổng giám đốc công ty bánh nổi tiếng ở TP.HCM thừa nhận, hầu hết bánh làm ra là để thoả mãn nhu cầu quà biếu; tiêu chí là phải sang trọng, bắt mắt để tương xứng với thâm ý mà người biếu muốn gửi gắm.

Riêng bao bì phải là sơn mài bóng bẩy, mỹ thuật. Còn ruột bánh phải có đủ loại sơn hào hải vị: bào ngư, yến sào, trứng cá hồi, rồi các loại hoa quả, thịt cá sấu, đà điểu... Chưa hết, thị trường bánh trung thu mấy năm nay còn xuất hiện loại bánh phun lớp vàng ròng trên mặt bánh. Sự xa hoa và xa xỉ đã vượt ngưỡng lố bịch. Lợi nhuận trước hết thuộc về các nhà sản xuất bánh trung thu, nhưng nhìn sâu xa dưới góc độ xã hội, chiếc bánh là một góc gói gọn tâm lý mượn lễ nghĩa tình thâm trao qua hộp bánh vốn là món quà “vô tư” dành cho trẻ nhỏ.

Nhà nước và xã hội đang nỗ lực chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trung thu dành riêng cho trẻ nhỏ, người lớn không nên làm mỡ đạc, méo mó vầng trăng tròn sáng trong.

Đan Thanh