Để từ đáy đi lên

ANTĐ - Trên “Diễn đàn kinh tế mùa thu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ tọa, quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín với nhiều ý kiến khẳng định ba điểm nghẽn của nền kinh tế là: bất động sản đóng băng, doanh nghiệp chưa “thoát đáy” và nguy cơ thâm hụt ngân sách. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta đã lập lại ổn định kinh tế vĩ mô nhưng trên một nền tảng yếu, tức là độ rủi ro còn lớn, đặc biệt là tình trạng “nghẽn mạch” tăng trưởng.

Một số diễn giả đã mang lại cho Diễn đàn niềm lạc quan rằng, dù vẫn trong bối cảnh tăng trưởng dưới tiềm năng, nhưng năm 2013 nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Nếu thực hiện nhất quán, quyết liệt và có hiệu quả chính sách giảm, miễn thuế và thực hiện các biện pháp trong hai Nghị quyết của Chính phủ thì sẽ tạo được niềm tin cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp “vượt cạn”. Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình cho rằng, nền kinh tế đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” với vốn liếng bị chôn trong nợ xấu. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thẳng thắn chỉ rõ, đã có quá nhiều hội thảo, diễn đàn kinh tế nói rất hay về tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, song hầu như không chỉ ra địa chỉ cụ thể cùng với những giải pháp. 

Trong khi đó, những “điểm đen” của nền kinh tế như sở hữu chéo ngân hàng, nợ xấu hầu như còn nguyên, các đề án tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn nằm trên giấy. Viện trưởng Viện Kinh tế cảnh báo: nếu không khởi động tái cấu trúc thì nền kinh tế “xuống đáy và nằm bẹp dí ở đấy”. Ông Viện trưởng chia sẻ khó khăn trong công tác làm chính sách hiện nay chứa đựng tính rủi ro cao bởi hệ thống số liệu “tù mù”, không đủ độ tin cậy. Chẳng hạn GDP của các tỉnh tăng gấp đôi tăng trưởng của cả nước và cả hai đều là số liệu chính thức, vậy sự thật ở đâu. Nợ xấu, thất nghiệp là bao nhiêu? Số doanh nghiệp đóng cửa từ năm 2011 đến tháng 6-2013 khoảng 135.000 cộng với khoảng 450.000 doanh nghiệp giảm 30% công suất khiến cho 5,5 triệu người mất việc làm, vậy mà báo cáo vẫn nói mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1,4 triệu người. 

Sau khi phân tích những điểm nghẽn của nền kinh tế, các chuyên gia đều thống nhất khẳng định chỉ có một con đường để từ đáy đi lên là tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất, và phải hành động sớm. Trước mắt tập trung đột phá tái cơ cấu 2-3 tập đoàn kinh tế “làm mẫu”, sau đó mở rộng dần ra để tạo lòng tin thật sự cho thị trường; tập trung xử lý dứt điểm sở hữu chéo ngân hàng. Để từ đáy đi lên, nền kinh tế rất cần một động lực lớn và niềm tin lớn.