Để tiền quay vòng nhanh

ANTĐ - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, tỏ ra sốt ruột về việc ngân hàng thương mại vẫn hạn chế cho doanh nghiệp vay vốn. Phát biểu tại cuộc hội thảo “Thách thức trong năm 2013”, vị đại diện này ví việc hạn chế cho vay giống như tiền cất trong nhà, tức là hạn chế dòng vốn chảy vào nền kinh tế, làm chậm tăng trưởng. Việc giải quyết không phải bằng phép màu nào cả mà phải bắt tay vào hành động. Ông nhấn mạnh cần đẩy mạnh lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế, nếu không thực hiện thì tăng trưởng GDP chỉ quanh quẩn ở mức 5%, trong khi Việt Nam còn nhiều tiềm năng để đạt mức cao hơn. Kết quả có thể không thấy ngay trong năm 2014-2015 mà phải đợi đến năm 2016-2017.

Một chuyên gia kinh tế phân tích, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Nếu Chính phủ có ưu tiên hợp lý, tập trung cho khu vực này thì sẽ giúp giảm áp lực tồn kho một cách mạnh mẽ, làm giảm áp lực cho vay, tạo thêm công ăn việc làm. Những người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thu nhập thì mới có tiêu dùng, đẩy nhu cầu xã hội lên. Bản thân các doanh nghiệp này cũng có thể tiêu thụ hàng hóa của nhau. Thế nhưng, sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách dường như chỉ tập trung vào giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, trong khi lẽ ra cần những giải pháp mạnh cứu khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trước tiên.

Hiện tại, mức độ “đói” vốn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng đến mức nào? Theo một tiến sĩ kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vòng quay vốn trong nền kinh tế rất chậm. Trong điều kiện bình thường, vòng quay tiền trung bình vào khoảng 2,5 lần/năm, hiện nay giảm xuống chỉ còn 1 lần/năm, thậm chí chỉ xấp xỉ 0,9 lần, chứng tỏ nền kinh tế đang “đói” vốn nghiêm trọng; đồng thời cũng rơi vào tình trạng sản xuất, kinh doanh đình trệ. Tiền quay vòng chậm lại vì tín dụng tắc nghẽn: qua 10 tháng tín dụng chỉ tăng trưởng 2,35% so với cuối năm 2011; vì chỉ số tồn kho vẫn tăng trên 20%, trong đó cao nhất là xi măng tăng 50%, sắt thép tăng 40,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 17,3%. Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, bên cạnh nguyên nhân luân chuyển tiền tệ và hàng hóa chậm lại trầm trọng, vòng quay của tiền chậm lại còn do tình trạng nợ nần giữa doanh nghiệp với ngân hàng cũng như giữa doanh nghiệp với nhau. Đặc biệt, vòng quay vốn chậm lại còn có nguyên nhân do lòng tin của doanh nghiệp, lòng tin của người tiêu dùng về triển vọng kinh tế và lòng tin giữa các đối tác, bạn hàng bị suy giảm. Bằng chứng cụ thể là doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư sản xuất, thậm chí thu hẹp lại. Người tiêu dùng cũng lo ngại, chi tiêu tằn tiện, thắt chặt “hầu bao”. Phương thức thanh toán chủ yếu là “tiền trao cháo múc” trong khi năng lực thanh toán của cả nền kinh tế rất eo hẹp.

Trong điều hành nền kinh tế cũng như trong sản xuất, kinh doanh, điều cốt lõi là vòng vốn, vòng tiền quay nhanh. Để làm cho tiền quay vòng nhanh, một số chuyên gia đề xuất cần tiếp tục giảm lãi suất giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, từ đó có điều kiện giảm giá thành, giá bán, kích thích tiêu dùng, kích thích đầu tư. Đi liền đó, cần thay đổi cách thức phân phối vốn hiện nay khiến đồng tiền không đến được nơi cần, nơi có thể phát huy được hiệu quả.