Để Thủ đô phát triển trên tầm cao mới

ANTD.VN - Mặc dù Hà Nội đã có Luật Thủ đô nhưng việc triển khai thực hiện luật đang có rất nhiều vướng mắc. Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ, Hà Nội khó có thể phát triển xứng tầm...

Để Thủ đô phát triển trên tầm cao mới ảnh 1Áp lực về cơ sở hạ tầng tăng trưởng ở Hà Nội rất lớn, vì vậy cần cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô

Áp lực hạ tầng, tăng trưởng rất lớn

Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.

Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Năm ngoái, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội cũng cao tới trên 7,46%, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng thứ 8 cả nước. Nghĩa là thu nhập của người dân chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô.

Thực tế, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, thế nhưng việc triển khai Luật Thủ đô còn rất nhiều vướng mắc, chưa thực sự phát huy được nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Thế nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội. Cũng vì thế, thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, nên cần có sự đầu tư, quan tâm đặc biệt. Cho rằng các luật đã quy định về cơ chế đặc thù cho Hà Nội nhưng chưa thể bao quát được hết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.

“Thời gian qua, sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào sự ổn định của cả nước” - bà Tòng Thị Phóng nói. Hay như cách phân tích từ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ các địa phương khác cùng phát triển thì trách nhiệm của cả nước đối với Hà Nội phải xứng tầm, thể hiện sự quan tâm thích đáng hơn với Thủ đô.

Động lực để Hà Nội phát triển mạnh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, việc tạo cơ chế đặc thù về tài chính sẽ tạo thêm nguồn thu cho thành phố Hà Nội có nguồn lực để triển khai các dự án lớn, cấp thiết trong thời gian tới.

Chẳng hạn, nếu Quốc hội đồng ý cho phép Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước thì thành phố sẽ có đủ nguồn lực để tự làm 2 tuyến đường sắt đô thị quan trọng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dẫn chứng, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tiến hành cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỷ đồng. Số tiền này hiện chưa nộp về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nếu được giữ lại số tiền trên, thành phố sẽ sử dụng vào mục đích xây dựng đường sắt đô thị các tuyến số 3 từ ga Hà Nội đi Hoàng Mai (hơn 40.000 tỷ đồng); tuyến số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5 km (66.000 tỷ đồng)...

Những điều đó cho thấy, nếu có cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách sẽ là cơ hội để cải thiện những vấn đề nan giải về cơ sở hạ tầng, về giao thông đô thị để có động lực phát triển. Cải thiện được hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, kích thích được tăng trưởng, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân Thủ đô.

Thực tế, năm 2017, TP.HCM đã được Quốc hội cho phép thí điểm nhiều cơ chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, tương thích như những cơ chế, chính sách tài chính đặc thù mà Chính phủ đề xuất cho Hà Nội lần này, thậm chí còn toàn diện hơn. Với những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, mỗi sự phát triển của thành phố đều đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, hỗ trợ và kéo theo sự phát triển của các địa phương trong vùng, do đó cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ. 

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM): Phải mạnh dạn cho Hà Nội tự chủ về tài chính

Để Thủ đô phát triển trên tầm cao mới ảnh 2

Từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội, song thực tế triển khai luật này cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.

Tuy nhiên, những chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách cho Hà Nội mà Chính phủ trình lần này không có gì mới so với chính sách đặc thù mà Quốc hội đã dành cho TP.HCM. Điều cần lưu ý, thực tiễn triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội ở TP.HCM đó là tính khả thi của một số cơ chế đặc thù. Việc đầu tư đối với Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố mà còn cần được đầu tư từ ngân sách Trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ, ngành để cùng phát triển Thủ đô xứng tầm.

Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, tôi mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện. Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu.

Qua cân đối nguồn lực, cần mạnh dạn cho Hà Nội được thực sự tự chủ về tài chính, yêu cầu mỗi năm thí điểm thì Hà Nội nộp về cho ngân sách Trung ương một số tiền nào đó. Trường hợp nền kinh tế “lớn” thêm bao nhiêu thì Hà Nội đóng nhiều thêm bấy nhiêu. Số thu được còn lại để cho Hà Nội tự chủ quyết định để đầu tư phát triển tương xứng tầm vóc của Thủ đô.

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội): Thủ đô muốn phát triển phải có “đôi cánh”

Để Thủ đô phát triển trên tầm cao mới ảnh 3

Dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển quy định trong luật này rất hạn chế, thậm chí bị “vo tròn thành cái chung”. Cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có “đôi cánh”. Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khóa.

Phải có đủ đôi cánh như vậy thì mới phát triển mạnh được. Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng. Thực tế trước Hà Nội, TP.HCM đã được Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng - Nghị quyết số 54 - về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù cho TP.HCM. Những cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP.HCM đã có tại Nghị quyết 54 là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.

Tôi cho rằng những cơ chế chính sách đặc thù này mới chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển. Hiện Thủ đô có nhiều vấn đề bức bối như môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân bắt đầu có những vấn đề bộc lộ… và với ngân sách nguồn lực hiện nay thì rất khó khăn để làm.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận): Hạ tầng quá tải, Thủ đô cần cơ chế đặc thù 

Để Thủ đô phát triển trên tầm cao mới ảnh 4

Các quy định về cơ chế tài chính chính sách cho Hà Nội hiện tại chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của Hà Nội. Trong quá trình xây dựng phát triển, Hà Nội đang đứng trước thách thức về mọi mặt như tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững, quá tải đối với hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học, quy hoạch xây dựng quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tình trạng ô nhiễm, ùn tắc, ngập úng chưa được giải quyết căn cơ… trong khi quyền hạn, nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò của Thủ đô.

Do vậy, tôi ủng hộ việc xem xét bổ sung cơ chế tài chính ngân sách cho phép Thủ đô huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố phù hợp với thực tế phát triển. Việc ban hành Nghị quyết sẽ giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu từ nay đến 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Xứng đáng là động lực phát triển của vùng và của cả nước, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015-2020, trở thành đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong nước  cũng như khu vực, quốc tế.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM): Cơ chế để Hà Nội phát triển xứng tầm với bộ mặt quốc gia

Để Thủ đô phát triển trên tầm cao mới ảnh 5

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu của Việt Nam với quốc tế nên cần được đầu tư để phát triển xứng tầm. Thực tế giai đoạn vừa qua, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước.

Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng, chi khoảng 100.000 tỷ đồng, tỷ lệ thu được điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%. Đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của Thủ đô có sự quá tải.

Do đó, cần có cơ chế để Hà Nội đầu tư mạnh hơn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Đối chiếu với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 hay các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP.HCM thì các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách dành cho Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thuần Thư (Ghi)