Để thị trường tự vận động

ANTĐ - Tại cuộc hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tập đoàn kinh tế ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, bản báo cáo chỉ có 4 trang về 6 thành tựu chính của các tập đoàn kinh tế, nhưng dành tới 8 trang nêu những tồn tại, yếu kém và hạn chế, chỉ rõ thực trạng Nhà nước đang cùng một lúc “sắm” cả 3 vai: Xây dựng chính sách, chủ sở hữu doanh nghiệp và giám sát.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn nhận xét, thực trạng trên đã dẫn đến hệ lụy lớn. Các bộ làm chính sách thực chất là cho chính mình và thường chỉ giám sát các doanh nghiệp bên ngoài phạm vi mình quản lý. Thế nên, các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước mâu thuẫn với chính mình. Bằng chứng rõ nhất là ở ngành điện, Bộ Công Thương ứng xử với ngành mình quản lý theo quy cách của chủ sở hữu, chứ không phải của cơ quan quản lý. Việc này đã góp phần tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh và đặc quyền, đặc lợi. Hơn thế, trong trường hợp xuất hiện nhóm lợi ích, người có địa vị có thể sẽ thành lập các công ty “sân sau” để thu lợi cho bản thân.

Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp cho rằng, vì chúng ta chưa có định nghĩa rõ ràng về tập đoàn nên dẫn đến tình trạng lộn xộn, thậm chí chạy đua thành lập tập đoàn. Bản nghiên cứu về tập đoàn kinh tế cho thấy, những năm gần đây, quy mô các tập đoàn kinh tế Nhà nước tăng mạnh, chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm doanh nghiệp lớn nhất cả nước (15/20 doanh nghiệp). Hầu hết các “ông lớn” này giữ vị trí thống lĩnh ở những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như điện, dầu khí, gas, khoáng sản, truyền thông... Trong khi đó, báo cáo đánh giá, các tập đoàn kinh tế tư nhân dù có tài sản và vốn rất nhỏ so với các tập đoàn kinh tế Nhà nước, song sử dụng vốn chủ sở hữu tốt hơn và phát triển bền vững hơn. Chẳng hạn, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn tư nhân duy trì ổn định khoảng 55%, trong khi tỷ lệ này ở các tập đoàn Nhà nước tăng nhanh từ mức 1,92 lần năm 2010 lên mức 2,7 lần năm 2013.

Đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, bên cạnh những thành tích, đã xuất hiện một số bất ổn kinh tế liên quan tới các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Môi trường kinh doanh cũng còn nhiều bất cập, doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản, chưa được bình đẳng với tập đoàn kinh tế Nhà nước trong tiếp cận vốn, nhất là vốn ODA. Cách duy nhất để khắc phục là để thị trường tự vận động, Nhà nước đứng ngoài kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro ảnh hưởng tới nền kinh tế và chống độc quyền.