Ngày thi đầu tiên ĐH, CĐ 2011:

Đề thi có tính phân loại cao

(ANTĐ) - Đề Toán dài và khó là nhận xét của khá nhiều thí sinh dự thi đợt I sáng 4-7. Không tìm được lời giải nên nhiều thí sinh quyết định ra sớm. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến số thí sinh đến dự thi môn Vật lý chiều 4-7 giảm tương đối.

Những tâm trạng khác nhau sau giờ thi môn Vật lý (Ảnh chụp chiều 4-7, tại Hội đồng tuyển sinh

Học viện Ngân hàng tại trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội)

Thí sinh bỏ thi nhiều sau môn thi Toán

Đề Toán dài và khó là nhận xét của khá nhiều thí sinh dự thi đợt I sáng 4-7. Ngay tại trường ĐH Ngoại thương, một trong những trường thuộc tốp đầu về chất lượng đầu vào thì ngay sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi đã có 5-6 thí sinh rời khỏi phòng thi (theo quy chế, sau 2/3 thời gian thí sinh mới được phép ra khỏi phòng thi). Lý do mà các thí sinh này đưa ra là do đề thi dài với 7 câu gồm nhiều phần câu hỏi nhỏ khá phức tạp nên chỉ làm được một số câu, còn lại các câu khó, không tìm được lời giải nên quyết định ra sớm.

Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến số thí sinh đến dự thi môn Vật lý chiều 4-7 giảm tương đối, trong đó, đặc biệt, ĐH Thương mại có số lượng thí sinh bỏ thi lên tới 161 trường hợp (từ 20.936 xuống còn 20.775 thí sinh). Tại trường này, trong buổi sáng có một thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi Nguyễn Quang Kim cũng cho biết, so với số thí sinh dự thi buổi sáng 4-7 thì chiều 4-7, các điểm thi của trường đã giảm 46 trường hợp, đạt tỷ lệ dự thi là 72,22%. Trong ngày thi đầu tiên này, trường ĐH Thủy lợi đình chỉ 4 thí sinh do 3 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và 1 trường hợp mang tài liệu. Còn tại trường ĐH Giao thông vận tải, ông Lê Hoài Đức, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên cho biết, trường có 55 trường hợp bỏ thi so với buổi thi đầu tiên. Được biết, với 60 câu hỏi môn Vật lý trong thời gian 90 phút, các thí sinh phải tập trung cao và tận dụng thời gian để làm bài. Đề thi được các giáo viên đánh giá hay với tính phân loại cao, điểm 9, 10 sẽ không nhiều so với các năm trước.

Cả nước có 60 thí sinh vi phạm Quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó, khiển trách 22; cảnh cáo 9; đình chỉ 26 và 3 thí sinh đến muộn không được dự thi

Buồn vì thí sinh “ảo”

Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa cho biết, thí sinh dự thi của trường đạt 63% và tỷ lệ này được cho là cao so với mùa thi trước. Còn ĐH Ngoại thương, số thí sinh dự thi ở Hà Nội chỉ còn hơn một nửa so với lượng hồ sơ đăng ký dự thi ban đầu và giảm so với năm trước 3,1%. “Chỉ có 53,7% thí sinh đến dự thi, may mà trường không phải đi thuê địa điểm chứ không thì quá lãng phí” - bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết. Những trường có tỷ lệ thí sinh dự thi nhỉnh hơn 50% còn có thể kể đến Học viện Tài chính hơn 50%, ĐH Kinh tế Quốc dân gần 52%, ĐHKH Tự nhiên-ĐHQG Hà Nội 57%.

Để đối phó với tình trạng thí sinh chỉ đăng ký chứ không đến thi, trường ĐH Giao thông vận tải chỉ chuẩn bị 80% chỗ thi cũng như đề thi. “Trong buổi thi sáng 4-7, có 1 điểm thi ở trường Tiểu học Mễ Trì A báo có phòng thi thiếu đề do thí sinh đến thi đông hơn dự kiến nhưng chúng tôi đã chỉ đạo bù đề thi từ phòng khác sang” - ông Lê Hoài Đức cho biết.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đề thi 2 môn thi đầu tiên được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu và không có sai sót cả về nội dung và hình thức. Về tình hình tổ chức thi trên cả nước, Thứ trưởng cho biết, tại các thành phố lớn không có hiện tượng ùn tắc giao thông, thí sinh đến dự thi đảm bảo thời gian quy định.

Ông Bùi Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: “Không thể kiểm soát 100% gian lận”

Đối với các trường hợp gian lận thi cử trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ thì hình thức thi hộ không còn đáng lo ngại. Tôi là một trong những người đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc phải hậu kiểm sau khi gọi thí sinh nhập học. Với hình thức kiểm tra này, 3 bài thi của một sinh viên sẽ được đem ra để đối chiếu với chữ viết trong bài kiểm tra đầu năm, gian lận sẽ phát hiện ra ngay. Còn với hiện tượng thi kèm, năm nào chúng tôi cũng tập huấn kỹ cho giám thị vì hậu kiểm sẽ không có tác dụng. Căn cứ vào thái độ của thí sinh trong phòng thi, những trường hợp thi kèm cũng dễ bị phát hiện bởi quan hệ trao đổi khác bình thường giữa 2 thí sinh. Tuy nhiên, với cảnh báo của Bộ GD-ĐT đề phòng gian lận bằng công nghệ cao thì chúng tôi không khẳng định  kiểm soát được 100% vì có thể có những kỹ thuật cao mà giám thị chưa biết đến. Tuy nhiên, vẫn có thể hạn chế được nếu giám thị được tập huấn kỹ, nhiều kinh nghiệm và có trách nhiệm cao trong thời gian coi thi để phát hiện những trường hợp có thái độ, hành vi khác biệt thí sinh thông thường.

Ông Đào Văn Hiếu - Giao Thủy, Nam Định: “Mất 4, 5 tạ thóc cho con đi thi”

Lần đầu tiên đưa con về Hà Nội dự thi, gia đình tôi đã phải chuẩn bị 2 đến 3 triệu đồng. Dù không phải đi vay mượn nhưng tôi cũng phải nhắn với con rằng, “Con đi thi, bố mẹ mất gần 5 tạ thóc đấy ”. Tôi lên Hà Nội từ ngày 1-7, dù họ hàng bảo sẽ thuê nhà trọ gần điểm thi cho hai bố con nhưng đi từ nhà họ hàng ở Giáp Bát đến điểm thi của con cũng không quá xa nên bố con tôi ở nhờ các bác để tiết kiệm tiền vì còn phải chờ để thi đợt 2. Mẹ cháu cũng rất muốn đưa con đi thi nhưng gia đình làm nghề nông, lại đang vụ gặt nên phải ở nhà gặt nốt. Tôi thấy mình khá may mắn vì ở điểm thi của con tôi tại Đại học Luật được phát suất ăn miễn phí. Cơm nóng và thức ăn cũng dễ ăn. Bố con tôi lại được nghỉ trưa ngay tại phòng học ngoài điểm thi của nhà trường. Không biết các trường khác có như vậy không?