Đề tài lịch sử được ưa chuộng trong các cuộc tranh tài

ANTĐ - Không phải học sinh đều quay lưng với lịch sử. Điều này được chứng tỏ rõ nhất trong các sân chơi trí tuệ gần đây, khi các ứng viên đều thích thú chọn kiến thức lịch sử để thi tài.

Những năm gần đây, tình trạng dạy và học lịch sử Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nhiều em học sinh khi được hỏi về những sự kiện lịch sử rất cơ bản trong chương trình học cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác. Vì vậy việc dạy lịch sử càng trở nên quan trọng hơn. Nắm vững được tầm quan trọng của môn lịch sử, các nhà sản xuất chương trình sân chơi truyền hình hiện rất tích cực trong việc chọn đề tài để thử thách các ứng viên tham gia sân chơi.

Chủ đề Lịch sử được các thí sinh hăng hái tham gia trong các sân chơi trí tuệ


Với hàng loạt các sự kiện lịch sử diễn ra trong tháng 4, tháng 5, Ban tổ chức chương trình “Chinh phục - Vietnam’s Brainiest Kid” đã tranh thủ đưa ra chủ để “Chiến thắng lịch sử” phát sóng vào ngày 11-5 tới cũng như đề tài "Độc lập" trong số trước. Bên cạnh đó, chương trình này cũng đưa rất nhiều kiến thức liên quan đến bộ môn lịch sử trong suốt 20 cuộc thi các tuần vừa qua. Bằng cách nhắc lại những sự kiện nổi bật trong lịch sử Việt Nam qua các câu hỏi, Chinh phục đã tạo được cảm giác vui thích, không gây áp lực trong quá trình tiếp nhận thêm kiến thức của các em học sinh.

Theo dõi chương trình này có thể dễ dàng thấy được sự gia tăng về số lượng các em thí sinh chọn chủ đề sở trường liên quan đến lịch sử. Có thể kể đến quán quân nữ của cuộc thi tuần 12, Lê Hồng Thụy cùng chủ đề sở trường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhờ tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng một cách kỹ càng, Hồng Thụy đã ghi được số điểm tuyệt đối ở vòng 3 và trở thành quán quân tuần.

Lê Hồng Thụy, gương mặt xuất sắc cuộc thi Chinh phục với đề tài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Ở cuộc thi với chủ đề “Độc lập” tuần 20, các thí sinh được tìm hiểu về, quốc huy của nước ta cũng như hiểu sâu hơn về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Việt Nam… Xen lẫn những câu hỏi này, Chinh phục đã khéo léo đưa vào câu hỏi trực quan về chiếc đàn K’lông put làm cho 10 bạn thí sinh không cảm thấy nhàm chán với những sự kiện lịch sử có phần “khô khan”.

Có thể thấy các sân chơi trí tuệ tương tự như Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5… cũng đều có những phần đòi hỏi kiến thức lịch sử ở các ứng viên tham gia chương trình. Điều này góp phần không nhỏ trong việc giúp bộ môn Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn hơn đối với học sinh hiện nay.

 Cũng là người tích cực khuyến khích phong trào yêu lịch sử trong giới trẻ, GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng, vấn đề hiện nay với đề tài lịch sử trong trường học không phải do môn học không hấp dẫn, cũng không phải do học sinh quay lưng, mà hoàn toàn do cách giáo dục môn lịch sử ở trường phổ thông hiện nay.

“Người Việt Nam ta có truyền thống yêu lịch sử. Vậy tại sao lớp trẻ lại không yêu? Đây không phải lỗi của các em mà trách nhiệm thuộc về những người làm giáo dục” – GS Phan Huy Lê nhấn mạnh. Cũng theo GS, hiện nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ coi môn Sử là môn bắt buộc, vì họ quan niệm học Sử để rèn luyện nhân cách, xây dựng bản lĩnh, ý thức công dân. GS Phan Huy Lê cho rằng cần có nhiều hính thức như tôn vinh, khen thưởng, tổ chức nhiều sân chơi phù hợp cho học sinh các cấp học để môn lịch sử ngày càng gắn bó, gần gũi với các thế hệ trẻ hiện nay và sau này.