Đề phòng trộm cắp, móc túi khi đi du Xuân, trẩy Hội

ANTD.VN - Du Xuân, trẩy Hội với mong muốn Xuân mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi, nhưng nhiều người lại nhận cái kết đắng, khi mà lộc thì chưa thấy đâu, còn tiền bạc hay những chiếc điện thoại di động đắt tiền đã “không cánh mà bay” bởi tình trạng cướp giật, trộm cắp, móc túi.

Trộm cắp, móc túi gia tăng ở nơi công cộng  

Anh Phùng Lê (trú tại quận 1, TP.HCM), một nạn nhân bị giật chiếc điện thoại iPhone 7 Plus cho biết, khoảng 10h sáng, ngày 26-1-2017, trong lúc dạo chơi ở đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, anh đưa điện thoại cho con gái để chụp ảnh đường hoa. Trong lúc con gái anh Lê đưa máy lên chụp ảnh, thì xuất hiện một nhóm khoảng 3 người phụ nữ, xúm lại dùng quạt giả vờ che nắng, sau đó nhanh tay giật điện thoại mà con gái anh đang cầm, rồi chuyền tay nhau tẩu thoát. 

Tương tự trường hợp của anh Lê, chị Nguyễn Ngọc Đào (Việt kiều Mỹ) cũng bị một đối tượng giật mất điện thoại khi cùng chồng dạo chơi nơi đường hoa Nguyễn Huệ. Tại cơ quan Công an, chị Đào cho biết, trong điện thoại chứa rất nhiều dữ liệu quan trọng liên quan đến công việc.

Nhóm đối tượng chuyên dàn cảnh trộm cắp, móc túi bị bắt khi đang "hành nghề" tại đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) hôm 26-1-2017

Đáng nói, vào ngày 26-1-2017, dù người dân đổ về đường hoa Nguyễn Huệ khá đông, nhưng vẫn chưa đến mức quá tải, tuy nhiên, kẻ gian đã “tận dụng” sự lơ là, mất cảnh giác của người dân để “ra tay” cướp giật, trộm cắp tài sản. 

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, chỉ tính riêng buổi sáng 26-1, tại đường hoa Nguyễn Huệ đã ghi 8 trường hợp người dân đến chốt bảo vệ để trình báo bị cướp giật điện thoại, ví tiền, trong đó đa phần là bị mất iPhone 7 và 7 Plus.

Cũng trong ngày 26-1, Công an quận 1 (TP.HCM) đã bắt được một nhóm gồm 3 người phụ nữ và 2 đứa trẻ (9 tuổi và 13 tuổi), chuyên dàn cảnh móc túi ở đường hoa Nguyễn Huệ; thu giữ trong người các đối tượng nhiều ĐTDĐ đắt tiền, nhiều tiền mặt, túi xách và giấy tờ tùy thân của 1 số người, trong đó có du khách nước ngoài…

Một đối tượng lợi dụng chốn đông người, thực hiện hành vi móc túi bị người dân tình cờ chụp lại 

Không chỉ dịp Tết, những ngày hội lớn tại các địa phương cũng là dịp các đối tượng trộm cắp, cướp giật hoành hành.

Chị Kiều My (trú tại Thanh Thủy, Phú Thọ) trong một lần đi lễ hội Đền Hùng đã bị một người phụ nữ đứng tuổi giật mất sợi dây chuyền vàng. Chị My cho biết, vì chính hội, nên Đền Hùng rất đông người, khi vừa lên đến cổng đền thì bị đám đông chen lấn, xô đẩy. Khi chưa kịp định hình, chị bị một người phụ nữ va chạm vào người từ phía sau. Sờ lên cổ thì đã mất sợi dây chuyền vàng.

“Lúc đó ngoảnh lại thì vẫn thấy và nhớ mặt người đàn bà nghi là đối tượng vừa giật sợi dây chuyền trong đám đông nhưng cũng không thể làm được gì vì dòng người vẫn đang nhao nhao chen lấn…”, chị My nói.

“Đang thành tâm khấn lễ, tôi bị một số người xô đẩy từ phía sau, tôi cảm nhận được bàn tay người đàn bà chạm vào người nhưng cũng không để ý lắm, vì chốn đông người, việc chen lấn, xô đẩy cũng quá đỗi bình thường. Lúc ra ngoài uống nước, mới phát hiện chiếc túi xách tay bị rách một vệt dài “rất ngọt”, kiểm tra thì chẳng thấy ví đâu nữa. Lúc đó, thực sự chỉ biết kêu trời mà thôi…”.

Mất tiền bạc, điện thoại di động đã đành, có người còn bị móc túi, mất toàn bộ giấy tờ tùy thân khiến dở khóc, dở cười.

Chị T. (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: “Vài năm trước tôi bị kẻ gian rạch túi trộm ví khi đi chợ Tết. Toàn bộ tiền bạc, giấy tờ tùy thân bị mất. Tiền mất đi cũng xót nhưng thà mất tiền còn hơn mất giấy tờ. Nào là chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, thẻ ATM… mỗi loại giấy tờ mất đi, phải làm lại tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức mà kể. Nhanh thì một vài ngày, lâu thì cả tuần lễ. Mệt mỏi lắm”.

Các đối tượng trộm cắp, móc túi thường hoạt động theo nhóm để dễ dàng tẩu tán tang vật và che chắn cho đồng bọn khi bị phát hiện 

Đề phòng trộm cắp, móc túi mùa lễ hội

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng trộm cắp, móc túi thường lựa chọn những nơi tập trung đông người, nhất là những nơi diễn ra lễ hội lớn, để dễ bề hoạt động.

Tại thời điểm này, nhiều lễ hội lớn đã và đang chuẩn bị diễn ra như: lễ hội chùa Hương, hội chợ Viềng hay lễ khai ấn đền Trần, phủ Dầy (Nam Định)… Đây là những “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi.

Mỗi năm hội chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định), phiên chợ họp một ngày duy nhất trong năm, thu hút hàng chục vạn du khách thập phiên đến tham quan, mua sắm cầu may. Tuy nhiên, do phiên chợ diễn ra vào thời điểm khá đặc biệt, từ 12h đêm ngày 7 tháng Giêng đến rạng sáng 8 Giêng, thời điểm vô cùng thuận lợi để kẻ gian hoạt động, nên nếu không cẩn thận, phiên chợ mua bán cầu may dịp đầu năm lại trở thành nỗi buồn của nhiều du khách.

Hàng nghìn du khách đã đến chùa Hương vào đúng ngày khai hội (mùng 6 tháng Giêng). Ảnh: Dân trí

Tại Mỹ Đức (Hà Nội), lễ hội chùa Hương đã chính thức khai hội. Theo ước tính sơ bộ của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, chỉ trong 3 ngày đầu xuân Đinh Dậu (từ mùng 3 đến mùng 5 Tết), dù chưa khai hội, nhưng chùa Hương đã đón khoảng 15 vạn lượt khách ghé thăm, tăng hơn 7 vạn lượt so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách đến chùa Hương ngày càng đông khiến cho tình hình an ninh trật tự tại địa phương trở nên phức tạp và là “thời điểm vàng” để các đối tượng trộm cắp, móc túi hoạt động.

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, qua phân tích nhiều vụ trộm cắp cho thấy, các đối tượng trộm cắp, móc túi hiện nay ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng hoạt động theo nhóm, có nhóm lên đến hàng chục đối tượng, rải rác khắp nơi. Theo đó, việc hoạt động theo nhóm giúp các đối tượng tham gia hỗ trợ, che chắn lẫn nhau, tuồn giấu tài sản hoặc cản trở người truy đuổi, giúp đồng bọn thoát thân khi bị phát hiện.

Các đối tượng này thường lợi dụng những nơi tập trung đông người, đặc biệt là những nơi diễn ra lễ hội, các đối tượng chen lấn vào đám đông, ra sức xô đẩy những người xung quanh, tạo cơ hội cho đồng bọn ra tay trộm cắp, móc túi, thậm chí là cướp giật. 

Ngoài ra, chúng còn lợi dụng lúc du khách mải chắp tay cầu khấn, các đối tượng  tìm cách đánh lạc hướng như: tự hạ lễ hay bê lễ của người bị hại đi nơi khác, châm hương làm cháy áo... khiến du khách bị phân tâm, sau đó nhanh tay trộm cắp tài sản.

Chính bởi vậy, du khách khi đi đến các khu vực lễ hội, đền, chùa trong thời điểm này nên cảnh giác với các thủ đoạn của ổ nhóm trộm cắp, tự bảo quản tài sản của cá nhân cẩn thận. 

Để tránh tình trạng bị móc túi, trộm cắp tài sản, không nên mang theo quá nhiều tiền và những giấy tờ tùy thân không cần thiết. Đặc biệt không nên để ví tiền vào túi quần sau hoặc túi hai bên hông vì đây là những điểm mà kẻ gian dễ ra tay. Với điện thoại di động cần phải giữ cẩn thận, cho vào túi áo trên và cài khuy. Những vật dụng như ví túi xách cần cầm chặt trên tay để đảm bảo an toàn. Khi phát hiện hành vi trộm cắp cần hô hoán để người xung quanh cùng bắt giữ đối tượng.