Đề phòng trẻ bị viêm phổi biến chứng nặng

ANTD.VN - Khoảng 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhi vào điều trị tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai tăng gấp rưỡi. Đã có những trẻ nhập viện muộn bị biến chứng nặng, tử vong. 

Thời tiết nắng nóng, trẻ mắc viêm phổi nhập viện gia tăng

Theo các bác sĩ, thời tiết giao mùa, chuyển sang nắng nóng là nguyên nhân khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm, dễ đổ bệnh, nhất là số trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp gia tăng. 

Bệnh nhi đến viện tăng 1,5 lần

Trước dịp nghỉ lễ 30-4, bình quân mỗi ngày khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 400-500 trẻ vào khám điều trị, tăng 1,3-1,5 lần so với trước đó. Nắng nóng đầu mùa là nguyên nhân khiến lượng trẻ nhập viện tăng mạnh, trong đó gần 30% là trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi. Đây là những bệnh thường gặp nhất trong thời điểm giao mùa, nắng nóng bởi theo các bác sĩ, nắng nóng khiến người bệnh nhanh mất nước, rối loạn điện giải, nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều… dẫn đến viêm phổi.

Bác sĩ Trương Văn Quý, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua theo dõi bệnh nhân, có nhiều trường hợp gia đình trẻ thấy con bị ho, sốt đã tự ý đi mua thuốc về cho con dùng, sau vài ngày không khỏi, bệnh trở nặng, suy hô hấp nặng mới hốt hoảng đưa con nhập viện, khiến việc chữa trị khó khăn hơn. Nhiều trẻ lúc nhập viện đã biến chứng phải thở máy điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Những trường hợp càng đến viện muộn, càng kéo dài thời gian tự điều trị thì nguy cơ biến chứng nặng càng tăng hơn, có trẻ tử vong do đến quá muộn.

Để phát hiện sớm trẻ viêm phổi, có thể đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên. Nếu trẻ thở trên 60 lần/phút (trẻ dưới 2 tháng); trên 50 lần/phút (trẻ từ 2-12 tháng tuổi); trên 40 lần/phút (ở trẻ 1-5 tuổi) là thở nhanh, khi đó cần đưa trẻ đi khám.

Ngược lại, cũng có tình trạng nhiều ông bố bà mẹ hễ thấy con hơi ho, sốt một chút là vội vàng đưa bé đi viện, bất kể là buổi trưa ngoài trời đang nắng nóng. Các bác sĩ cho biết, vào những ngày nắng nóng, nếu thấy trẻ bị sốt, người nóng ran thì phụ huynh không nên vội vàng đưa trẻ đi viện ngay mà hãy bình tĩnh cặp nhiệt kế cho con, hạ sốt nếu thấy bé sốt, theo dõi sức khỏe của bé rồi hãy đến viện. Đặc biệt vào buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời cao, trẻ bị sốt lại hấp thụ nhiệt ngoài trời càng làm trẻ sốt cao hơn, rất nguy hiểm. Nếu sau khi dùng hạ sốt thấy trẻ đỡ sốt, vẫn chơi đùa bình thường thì có thể đợi lâu hơn, đến khi tắt nắng hãy cho con đi khám.

Cách phát hiện sớm viêm phổi ở trẻ

Bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo, ngoài việc dùng hạ sốt thì khi thấy trẻ bị sốt, người dân tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh về điều trị bệnh cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ mắc bệnh viêm phổi. Theo bác sĩ Quý, viêm phổi là bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp nhưng có tới 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Trong khi đó, thuốc kháng sinh không có tác dụng chữa các bệnh do virus nên có nghĩa 70% trẻ bị viêm phổi không cần điều trị bằng kháng sinh. Do vậy, tốt nhất người dân cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ chỉ định điều trị. 

Về cách theo dõi trẻ tại nhà, bác sĩ Quý cho biết, viêm phổi ở trẻ em biểu hiện rất đa dạng và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh nên trong quá trình theo dõi trẻ thì phụ huynh cần lưu ý các biểu hiện nặng hơn của bệnh như: trẻ sốt cao hơn và tần số sốt dày hơn, mệt và li bì, ăn uống kém, thở nhanh… để đưa trẻ đi viện kịp thời.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, vào mùa nắng nóng, không chỉ trẻ em mà kể cả người lớn đều nên hạn chế đi ngoài đường vào giờ cao điểm bởi rất dễ xảy ra hiện tượng say nắng; không được để cơ thể mất nước bằng cách thường xuyên uống nước lọc, các loại nước trái cây; không để nhiệt độ cơ thể bị thay đổi đột ngột, đi ngoài nắng về không vào ngay phòng điều hòa, nhiệt độ trong phòng không nên để quá thấp…