Đề phòng đột quỵ khi trời lạnh

ANTĐ - Chỉ hơn một tuần thời tiết rét đột ngột ở miền Bắc, tại các BV và chuyên khoa tim mạch, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do đột quỵ gia tăng đột biến. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, nhiều người đã tử vong trước khi kịp đến BV.

Trời rét, bệnh nhân cao tuổi đến khám nội tại BV Xanh Pôn tăng đột biến


Số mắc tăng 60%

Không phải là BV chuyên về tim mạch, nhưng trong tuần vừa qua, ngày nào BV Quân đội 354 (Hà Nội) cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân cao tuổi vào cấp cứu do đột quỵ. Bác sĩ Lê Anh Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh - BV Quân đội 354 cho biết, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng mùa lạnh là thời điểm xuất hiện nhiều nhất, tăng 60% so với các mùa khác. Điều nguy hiểm là đột quỵ thường dẫn đến tử vong rất nhanh nên nhiều trường hợp đã tử vong ngay trên đường đến BV, nhất là những trường hợp đột quỵ trong đêm, không được phát hiện kịp thời.

Không chỉ người già mà ngay cả những người trẻ, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường cũng rất dễ xảy ra đột quỵ khi thời tiết trở lạnh đột ngột. Điển hình như trường hợp một bảo vệ của một công ty nằm trên đường Hào Nam, bị đột quỵ vào đêm thứ 4 tuần trước, đã tử vong ngay khi nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 vừa tới.

Theo TS. Đinh Thị Thu Hương, Viện Tim mạch Quốc gia, thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định đến sự sống chết của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Người bị đột quỵ nhẹ có thể để lại các di chứng như chân tay run rẩy, đi lại khó khăn, hoặc nằm liệt. Nặng thì tử vong. Chi phí điều trị đột quỵ rất tốn kém. Do đó, khi người bệnh bị đột quỵ thì đến BV sớm phút nào tốt phút ấy. Cũng theo TS. Hương, hiện tại đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Tiên lượng của đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào việc sơ cấp cứu và người bệnh có được điều trị sớm hay không.

Có thể phòng được

Theo y văn, đột quỵ là tình trạng suy giảm chức năng của não một cách đột ngột, do mạch máu cung cấp cho một vùng nào đó của não gặp vấn đề. Vùng não bị ảnh hưởng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết dẫn đến bị tổn thương. Bác sĩ Việt cho biết, những dấu hiệu nhận biết đầu tiên của đột quỵ có thể chỉ là cơn đau đầu, từ nhẹ, sau đó dồn dập và co thắt. Nếu để động mạch phồng hết cỡ, dẫn đến vỡ, chảy máu, bệnh nhân có thể sẽ co giật, nôn mửa, rối loạn hô hấp, rồi hôn mê sâu và tử vong sau vài giờ.

Tuy nhiên, có những bệnh nhân chỉ chảy máu nhẹ nên chỉ đau đầu, buồn nôn, khó chịu. Trong trường hợp này, nhiều người tưởng mình bị cảm, gọi người nhà đánh gió sẽ rất nguy hiểm bởi việc cạo gió, uống nước đường, nước gừng giải cảm sẽ càng khiến cho việc chảy máu nặng thêm.

Do đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước nên việc phòng ngừa đột quỵ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, hơn 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được. Bác sĩ Việt khuyến cáo, muốn phòng chống đột quỵ, người già và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) cần chú ý kiểm soát huyết áp của mình, ngưng hút thuốc lá, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Mùa đông khi ra ngoài phải mặc ấm, không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và tập thể dục vào sáng sớm.

Cũng theo các bác sĩ, khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách: để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.