Đề phòng cháy, nổ xảy ra tại những nơi thờ tự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn Hà Nội thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái. Để đảm bảo an toàn cho du khách, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH) Công an thành phố (CATP) Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC.

Cẩn trọng khi đốt vàng mã

Các di tích như đình, chùa, đền... là những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC, do kiến trúc phần lớn làm từ gỗ, có nhiều đồ trang trí, thờ tự được làm bằng vải, giấy và các chất dễ cháy khác. Trong khi đó, đình, đền, chùa cũng là nơi người dân thường xuyên thắp nến, hương, đốt vàng mã.

Vào hồi 1h15 ngày 10-2, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận báo cháy tại chùa Vẽ. Ngay sau khi nhận tin, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 4 xe chữa cháy và 30 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phối hợp với CATP Bắc Giang khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy và CNCH, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Đến khoảng 1h35 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế.

Hiện trường vụ cháy chùa Vẽ, tỉnh Bắc Giang

Hiện trường vụ cháy chùa Vẽ, tỉnh Bắc Giang

Do được lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH chữa cháy kịp thời, đám cháy không cháy lan sang khu vực xung quanh. Thiệt hại về tài sản đang thống kê và nguyên nhân vụ cháy hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tại hiện trường, toàn bộ vật dụng, đồ đạc, hiện vật bên trong gian chính bị thiêu rụi, gạch ốp phần mái chùa sập, trơ kèo cột đã cháy đen. Chùa Vẽ ở phường Thọ Xương, TP Bắc Giang xây dựng từ thế kỷ XVII, được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994.

Trên địa bàn Hà Nội từng xảy ra một số vụ cháy ở chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai); đền Tam Quan Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên), hay chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm)...

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy, nổ ở các di tích nói chung được xác định là do chập điện, đổ nến, thắp hương, hóa vàng mã.

Nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ

Thượng tá Nguyễn Đức Thành - Phó trưởng Công an Thị xã Sơn Tây, Hà Nội nhận định: "Nguy cơ cháy, nổ đối với cơ sở tâm linh, đền - chùa thường do chập điện, đốt vàng mã, thắp hương, hóa vàng... Đặc biệt, các hàng quán bên ngoài đền - chùa có nguy cơ cháy, nổ cao do tự ý câu dẫn điện.

“Bên ngoài các đền, chùa thường có các ki - ốt bán đồ lễ và vàng mã… Do đặc thù đây là các gian hàng tạm, nên các yếu tố an toàn cháy, nổ chưa được đảm bảo. Qua kiểm tra, phần lớn là tình trạng các chủ sạp hàng bày bán hàng hóa tràn lan; hệ thống điện đấu nối tùy tiện, lắp đặt dây dẫn điện không đúng kỹ thuật, dễ dẫn đến quá tải, chạm chập điện…”, Thượng tá Nguyễn Đức Thành cho hay.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn tại các đền, chùa

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn tại các đền, chùa

Để phòng ngừa các vụ hỏa hoạn, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo, các ban quản lý di tích cần tăng cường kiểm tra, rà soát, nâng cấp hệ thống điện tại nhà đền, đảm bảo các dây điện được đi trong ống gen cách điện.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, tại khu vực chính điện, nhà kho, bãi gửi xe… Bố trí lực lượng PCCC thường trực, trông coi việc thắp hương, cúng tế hóa vàng. Trong thời gian này, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra an toàn PCCC với các phương án, kế hoạch cụ thể, kiến nghị với ban quản lý các khu di tích có những biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; yêu cầu khắc phục những sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC.

Có thể nói, công tác PCCC và CNCH tại đền - chùa, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân khi đến vãn cảnh, hành hương. Do đó, mỗi người cần tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của chùa, nhà đền, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã tại những nơi đông người để việc du xuân trong những ngày đầu năm được an toàn tuyệt đối.