Để phát triển kinh tế biển

(ANTĐ) - Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á ra Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa (Tuyên bố 1977).
Tiếp đó là Tuyên bố năm 1982 của Chính phủ về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và Nghị quyết ngày 23-6-1994 của Quốc hội khóa IX phê chuẩn Công ước Luật biển 1982… PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ về vấn đề này.
Để phát triển kinh tế biển ảnh 1
- PV: Thưa ông, thế kỷ XXI, các nước đua nhau ra biển, giành giật lợi ích từ biển. Việt Nam đã có chiến lược biển tầm nhìn đến năm 2020, song dường như công tác quản lý và phát triển kinh tế biển vẫn chưa tiến triển?- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Các nước phát triển như Nhật Bản, Nga, Mỹ, Trung Quốc… đều hướng ra biển và chọn phát triển kinh tế biển để “nuôi” kinh tế đất liền.  4 năm qua, chúng ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng quy hoạch xây dựng tuyến đường ven biển, hình thành 15 khu kinh tế hướng biển, 16 khu bảo tồn sinh thái biển, phát triển nghề cá... Hiện về lý thuyết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý về biển đảo, song thực tế đang có đến 15 bộ, ngành tham gia quản lý biển, vị trí của tổng cục đang rất khó để yêu cầu các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin nhằm thành lập cơ sở dữ liệu biển quốc gia…- PV: Để phát triển kinh tế biển hiệu quả, Việt Nam phải chăng cần gấp rút quy hoạch không gian biển và vùng bờ trong chiến lược phát triển chung của quốc gia?- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982, nhưng chúng ta vẫn đang trong quá trình xây dựng một bộ luật về biển. Luật Biển được ban hành cho phép chúng ta có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong quy hoạch, quản lý, khai thác và bảo vệ biển. Khi có một hành lang pháp lý hoàn thiện cùng một thể chế kinh tế hiện đại sẽ tạo tiền đề cho một phương thức quản lý biển tổng hợp, một nền KHCN biển tiên tiến phát triển, một nền kinh tế biển hiệu quả. Phát triển kinh tế biển theo không gian là cách tiếp cận hiện đại ưu việt hơn quản lý theo vùng, nó giúp chúng ta khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách ưu tiên đầu tư cho ngư dân, xây dựng các hạm đội tàu lớn, các doanh nghiệp kinh tế biển mạnh nhằm khẳng định được sự hiện diện của Việt Nam trên đại dương.